ây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị toàn quốc tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua khen thưởng và triển khai công tác thi đua khen thưởng năm 2018 tổ chức tại Hà Nội, sáng 21/12.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Còn tình trạng vận dụng và đề nghị mức khen chưa đúng quy định, nể nang, cào bằng
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ qua 13 năm thực hiện Luật Thi đua khen thưởng (TĐKT), chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ khi có Luật, vai trò, tác dụng của công tác TĐKT tiếp tục được khẳng định. Bộ Chính trị, cấp ủy các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về TĐKT, đặc biệt là Chỉ thị số 39-CT/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-CT/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT. Đây là những chủ trương, định hướng quan trọng, là cơ sở cho việc thực hiện hoàn thiện thể chế về công tác TĐKT.
Bộ Nội vụ (Ban TĐKT Trung ương) với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng TĐKT Trung ương và phụ trách công tác TĐKT, đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và trình cấp có thẩm quyền hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở quản lý Nhà nước về công tác TĐKT. Công tác TĐKT đã có nhiều tiến bộ, đổi mới, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện, Luật đã có những bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Các văn bản hướng dẫn Luật TĐKT còn chưa kịp thời, có nhiều văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng. Một số phong trào thi đua còn hình thức, chưa có tiêu chuẩn cụ thể, chưa thường xuyên liên tục, chưa chú trọng chỉ đạo điểm, thiếu kiểm tra, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TĐKT chưa được chú trọng đúng mức, thiếu thiết thực, hiệu quả.
Luật TĐKT có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến các cơ quan trong hệ thống chính trị, các đối tượng khác nhau về độ tuổi, thành phần, địa bàn… nhưng điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng tập trung vào cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, một số tiêu chuẩn khen thưởng được hướng dẫn bằng văn bản dưới luật. Còn có tình trạng vận dụng và đề nghị mức khen chưa đúng quy định, nể nang, cao bằng, mang tính luân phiên. Công tác thẩm định hồ sơ khen thưởng còn thiếu chặt chẽ, chưa đánh giá đúng thành tích dẫn đến có trường hợp tổ chức, cá nhân có vi phạm không xứng đáng lại được khen thưởng với mức cao. Những điều này cần sớm được nghiên cứu khi sửa đổi Luật.
Luật quy định thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó, nhưng tiêu chuẩn để xét khen thưởng lại tính theo niên hạn, cộng dồn thành, phải có hình thức khen thưởng thấp mới xét khen thưởng cao, số lượng các hình thức khen thưởng còn nhiều. Điều kiện và tiêu chuẩn xét khen thưởng thành tích đột xuất chưa quy định cụ thể, dẫn đến việc lạm dụng, thiếu công bằng, một số quy định về hồ sơ, thủ tục còn rườm rà, phức tạp, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Luật, cần nghiên cứu kỹ các cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn, làm rõ những nội dung còn bất cập, những tồn tại, hạn chế, đánh giá đúng nguyên nhân tồn tại, đề xuất sửa đổi cho phù hợp. Theo đó, tiêu chuẩn khen thưởng phải bảo đảm tính định lượng, sát với thực tiễn và phù hợp với hình thức khen thưởng, thành tích đến đâu khen đến đó. Khen thưởng phải đạt được mục đích động viên, thực chất và nêu gương trong xã hội.
Nâng cao trách nhiệm của Hội đồng TĐKT các cấp; đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức công tác TĐKT tinh gọn, hiệu quả, bố trí đúng cán bộ có phẩm chất và năng lực, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ làm công tác TĐKT. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc TĐKT và đề nghị cấp trên khen thưởng. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính về thủ tục, hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành. Phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Công tác TĐKT đã bám sát và góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với trọng tâm chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các bộ ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai và phát động các phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương và cơ quan mình. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến được quan tâm và chú trọng hiệu quả thực chất. Các cơ quan truyền thông đã góp phần giới thiệu, tuyên truyền, động viên, đẩy mạnh phong trào thi đua, cổ vũ nhân tố mới, tạo động lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Đó là hiệu quả một số phong trào thi đua còn chưa cao, còn nặng tính hình thức, chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đối tượng khen thưởng là công nhân, người lao động trực tiếp chưa nhiều. Vẫn còn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị công tác TĐKT cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TĐKT; đổi mới mạnh mẽ công tác TĐKT. Hệ thống cơ quan tham mưu cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò trong công tác TĐKT trên cả nước, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình có tính đột phá.
Tổ chức các phong trào thi đua có tính thiết thực, cụ thể, gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Công tác TĐKT cần góp phần tôn vinh giá trị xã hội, chú trọng các lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Công tác TĐKT phải kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn làm thước đo khen thưởng, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp ở cấp cơ sở”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Chú ý khen thưởng, vinh danh các nhà khoa học nhằm thúc đẩy, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát triển khoa học công nghệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Quan tâm khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp có nhiều thành tích phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp cho cộng đồng nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Việc khen thưởng, tôn vinh cần bảo đảm khách quan, chính xác và có tham vấn đánh giá của cộng đồng xã hội.
Đối với hệ thống cơ quan Nhà nước, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các phong trào thi đua cần gắn với xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu”, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh cơ quan và cán bộ làm công tác TĐKT cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất khen thưởng bảo đảm khách quan, chất lượng, chỉ đạo công tác tổ chức bình chọn khen thưởng phải dân chủ, công bằng, chính xác, khách quan, đúng người, đúng thành tích, dựa vào tập thể từ cơ sở, chủ yếu tập trung khen thưởng cho cán bộ chiến sĩ tham gia công tác chiến đấu, lao động trực tiếp có thành tích xứng đáng.
Đặc biệt, Ban TĐKT Trung ương cần chú ý chất lượng thẩm định đối với khen thưởng Nhà nước, cần nêu rõ chính kiến dựa trên căn cứ pháp luật, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, tránh việc bị trả lại hồ sơ, hoặc để sót lọt khen thưởng cho đối tượng không xứng đáng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, vi phạm trong công tác TĐKT.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban TĐKT Trung ương hoàn thiện kế hoạch tổ chức hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, kế hoạch của Hội đồng TĐKT Trung ương và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
|
Ảnh: VGP/Lê Sơn
|
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng. Từ khi Quốc hội thông qua Luật TĐKT (năm 2003) đến nay, các chủ trương chính sách về TĐKT dần được hoàn thiện. Công tác TĐKT đã có sự đổi mới, gắn với các quy định của pháp luật, kịp thời hướng về những người trực tiếp lao động sản xuất, công tác; tồn đọng khen thưởng kháng chiến cơ bản được giải quyết…
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương Trần Thị Hà, công tác khen thưởng đã cơ bản phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của đất nước và các bộ, ngành, địa phương. Khen thưởng cá nhân trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu... đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần động viên tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ…
Ban TĐKT Trung ương đã phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và cơ bản đã giải quyết xong khen thưởng tồn đọng kháng chiến. Khen thưởng thực hiện nhiệm vụ chính trị, khen thưởng đối ngoại, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng niên hạn được triển khai bảo đảm kịp thời, đúng quy định, gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Nhiều bộ ngành, địa phương đã đề ra biện pháp tăng tỷ lệ khen thưởng cho các đơn vị cơ sở, công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhiều nơi tỷ lệ khen cho người lao động trực tiếp đạt trên 70%.