Thời gian vừa qua, trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đã liên tục xảy ra một số vụ cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Công tác phòng cháy, chữa cháy, được các cơ sở sản xuất kinh doanh, Ban quản lý các chợ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Đức Thọ quan tâm, xem đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, nhất là thời điểm đầu mùa nắng nóng.
Công ty Cổ phần gỗ Linh Cảm còn nhiều tồn tại trong công tác PCCC
Chợ hôm Thị trấn Đức Thọ, hiện có gần 700 quầy hàng. Trong đó 1 đính chính với 160 ki ốt, chủ yếu bày bán các loại hàng hóa có nguy cơ cháy cao như: vải, quần áo may mặc sẵn, giày dép, văn phòng phẩm, điện máy. Bên cạnh đó, rất nhiều hộ bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi, nên có thể gây khó khăn trong quá trình chữa cháy nếu có sự cố xảy ra. Ngoài ra khu vực đình phụ còn có 14 hộ chế biến hàng ăn, chuyên sử dụng bếp lửa, 8 hộ sử dụng máy xay thực phẩm. Hầu như 100% các hộ tiểu thương ở chợ hôm Thị trấn đều sử dụng điện, vì vậy nguy cơ cháy luôn được cảnh báo
Ông Nguyễn Võ Thành, Giám đốc HTX quản lý khai thác Chợ hôm Thị trấn cho hay: Hiện nay các phương tiện phục vụ phòng cháy chữa cháy đã được Ban quản lý trang bị đầy đủ. Chúng tôi đã phân công cán bộ thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng cháy. Qua kiểm tra để phát hiện những trang thiết bị không đảm bảo, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, không thắp hương, đốt vàng mã, hút thuốc lá... Mới đây chúng tôi đã phối hợp với Điện Lực Đức Thọ thay 2 thiết bị điện không đảm bảo an toàn
Kiểm tra các thiết bị PCCC tại chợ Hôm Thị Trấn Đức Thọ
Còn tại Công ty Cổ phần gỗ Linh Cảm, mỗi ngày chế biến từ 15 – 17 m3, chủ yếu là thông dễ cháy. Hầu hết các máy móc chế biến và sấy gỗ đều sử dụng nguồn điện năng lớn. Mới đây Công ty đã chuyển đổi công nghệ sấy từ lò đốt bằng than sang lò đốt hơi nước. Mặt khác lò sấy cũng được bố trí cách xa khu vực sản xuất, vì vậy hạn chế được nguy cơ cháy. Bà Đinh Thị Nho Hiền, PGĐ công ty cổ phần gỗ Linh Cảm nói: Là công ty tư nhân, nếu xảy ra vấn đề về cháy sẽ gây tổn thất rất lớn, vì vậy ngoài các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, công ty luôn coi trọng việc tuyên truyền để công nhân tuân thủ phòng cháy. Đối với lò sấy loại mới này, do đốt bằng hơi nước, lò đốt không trực tiếp với bộ phận sấy nên nguy cơ cháy được giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, tại Công ty này, việc bố trí hệ thống dây điện còn lộn xộn, hệ thống lăng vòi không bố trí gần kề với khu vực bể chứa nước, trụ và máy bơm, nên việc chữa cháy sẽ khó đảm bảo kịp thời, nếu có cháy xảy ra.
Trên địa bàn toàn huyện Đức Thọ hiện có 181 cơ sở sản xuất kinh doanh trong đó 45 cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao như: xăng dầu, chế biến lâm sản, cửa hàng kinh doanh ga, khí hóa lỏng, chợ, dịch vụ karaoke...Hàng năm Công an huyện đều phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát công tác PCCC ở các cơ sở, đơn vị, đồng thời tập huấn về nội dung này cho các chủ cơ sở, các cơ quan đơn vị...Tuy nhiên hầu hết tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các chợ, còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Có nơi do hệ thống điện, dây điện bố trí chưa hợp lý, gọn gàng, các phương tiện phục vụ chữa cháy còn thiếu như: nguồn nước, bình xịt, máy bơm...cá biệt tại một số chợ, nhà hàng karaoke không có lối thoát hiểm cho người, và lối cho xe cứu hỏa lưu thông khi khó sự cố xảy ra./.
Thanh Tình – Thanh Sơn