Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1038/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2018 - 2019.

Ảnh minh họa

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới 2018 - 2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm được giao, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ Lễ, nhất là các tuyến vận tải kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các khu vui chơi, địa điểm du lịch, các đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện trong hoạt động vận tải, nhắc nhở các lái xe, lái tàu tuân thủ quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt thận trọng khi điều khiển phương tiện trên đường đèo dốc, giao cắt đường bộ với đường sắt, trên các tuyến, luồng đường thủy có mật độ lớn, điều kiện thủy văn phức tạp, nhất là thời điểm mưa, bão, lũ. Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, chở quá số người quy định.

2. Đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn để nâng cao ý thức của người dân, không lái xe vượt quá tốc độ; không lái xe sau khi uống rượu, bia; không sử dụng điện thoại khi lái xe; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô tham gia giao thông; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt và khi đi từ đường phụ ra đường chính; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; mặc áo phao đúng quy định khi đi đò; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

3. Triển khai "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9", các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học, sinh viên; chỉ đạo việc ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông giữa nhà trường, gia đình và học sinh; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học; tiếp tục triển khai mô hình "Cổng trường an toàn".

4. Có phương án phối hợp liên ngành và giữa các địa phương để tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, kịp thời giải quyết các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt là các đầu mối giao thông trọng điểm, các tuyến đường ra vào thành phố Hà Nội và Thành phồ Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, quy định về nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng phương tiện quá niên hạn kiểm định, đón, trả khách không đúng nơi quy định... chú trọng đối với xe ô tô chở khách, xe chở container. Lập phương án phòng chống, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép. Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày khai giảng. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch, trên các tuyến, luồng đường thủy phức tạp, nhất là thời điểm mưa, bão, lũ.

5. Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa, lũ trong thời gian qua, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc; kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.

6. Ủy ban nhân dân các địa phương đẩy mạnh vận động các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia cảnh giới, hướng dẫn giao thông tại các điểm có nguy cơ cao về tai nạn giao thông, nhất là các vị trí đường dân sinh, lối đi tự mở, đường ngang đường sắt mất an toàn giao thông trên địa bàn. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tai nạn giao thông tại các vị trí đường ngang đường sắt trên địa bàn.

7. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông, phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông.

8. Các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình trật tự, an toàn giao thông trong 3 ngày nghỉ Lễ Quốc khành (từ ngày 1 đến hết ngày 3 tháng 9 năm 2018), gửi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trước 16 giờ 00' ngày 3 tháng 9 năm 2018 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

theo Phương Nhi (chinhphu.vn)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.459.392
    Trong năm: 1.310.480
    Trong tháng: 99.383
    Trong tuần: 23.926
    Trong ngày: 4.593
    Online: 13