Đức Thọ là huyện phía Bắc Hà Tĩnh,với diện tích tự nhiên trên 20.200 ha, dân số 105.000 người, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên kinh tế còn nhiều khó khăn.

Huyện xác định tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) và làng nghề là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định cơ cấu Công nghiệp-TTCN chiếm 38% trong tổng giá trị cơ cấu kinh tế các ngành nghề của huyện.

 

 

Mộc Thái yên đa dạng về mẫu mã, chất lượng luôn đảm bảo 

 

Thực hiện Đề án phát triển CN-TTCN đến năm 2025 của tỉnh, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện, công tác phát triển CN-TTCN và làng nghề trên địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo bằng nhiều giải pháp như: đầu tư, mở rộng các làng nghề truyền thống mộc Thái Yên; đan lát, đóng thuyền Trường Sơn; bún bánh Đức Yên, Thị trấn; nấu rượu Văn Lâm, Đức Thanh...Du nhập và phát triển những nghề thủ công mới; phát triển các ngành nghề chủ lực như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất cơ khí, chế biến lâm sản, chế biến nông sản. Tổ chức đào tạo nghề và duy trì nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời quy hoạch, mở rộng, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trong các cụm CN-TTCN như cụm Trường Sơn, cụm Thái Yên, Đức Thịnh, Thị trấn.

 

Nhờ chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng, lĩnh vực Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện tăng trưởng khá nhanh, năm 2017 giá trị sản xuất đạt 1.100 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch, tăng 13 % so với năm 2016. 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 997 tỷ đồng tương đương 78 % so với kế hoạch năm 2017, tăng 26 % so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người từ Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt từ 65 đến 70 triệu đồng đồng/người/năm. Nhiều cơ sở sản xuất tiếp tục được cũng cố và mở rộng, như Công ty Cổ phần Gỗ Phượng Nguyên Bắc Miền Trung đầu tư xây dựng từ năm 2008 với công suất 6.000m3/năm, hàng năm sản xuất được 7.000 m3 gỗ chế biến, thu hút gần 45 lao động, sản phẩm sản xuất chủ yếu chế biến từ gỗ rừng trồng; Công ty Cổ phần Gỗ Linh Cảm, mỗi năm sản xuất được hơn 8.300 m3 gỗ, giải quyết công ăn việc làm cho gần 50 lao động địa phương; Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Sông La - nhà máy gạch Tuynel với công suất 15 triệu viên/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 150 lao động địa phương, các doanh nghiệp khác hoạt động ổn định, hiệu quả. Các cụm công nghiệp bước đầu cho doanh thu cao, điển hình năm 2017 cụm Thái Yên đạt trên 500 tỷ đồng, cụm Trường Sơn đạt gần 90 tỷ đồng; các cụm khác có doanh thu ngày càng tăng, giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình CN-TTCN huyện Đức Thọ còn nhiều khó khăn đó là: Ngành nghề nông thôn nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tính chuyên môn hóa chưa cao, công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu thị trường nhỏ hẹp, tính cạnh tranh thấp. Chiến lược sản xuất công nghiệp nông thôn của các nhà đầu tư còn hạn chế, tầm nhìn ngắn hạn, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn. Chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, mẫu mã hàng hóa sản phẩm, tạo uy tín lâu dài đối với khách hàng. Hoạt động bao tiêu, cung ứng sản phẩm còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ. Công tác quản lý nhà nước đối với công nghiệp nông thôn còn hạn chế. Chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu của các cơ sở sản xuất trên địa bàn, tính cạnh tranh của các sản phẩm gỗ dân dụng, thủ công mỹ nghệ thấp.

 

Để tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển CN-TTCN, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm cơ sở vững chắc để trở thành huyện nông thôn mới, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện  một số giải pháp chủ yếu đó là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc xây dựng phát triển kinh tế, chủ động xây dựng kế hoạch tạo điều kiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch, định kỳ hằng năm rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN đã được duyệt. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển CN-TTCN, các làng nghề, các cụm CN tập trung. Vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích của huyện, tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, làng nghề được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển. Động viên các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; sản xuất cùng một loại sản phẩm, hàng hóa liên doanh, liên kết để phân công, chuyên môn hóa sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hàng hóa. Tạo điều kiện để các làng nghề, các cụm CN tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đầu tự phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, đặc biệt là cụm Công nghiệp Thái Yên làm trọng tâm, sau đó quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp: Cụm TTCN xã Đức Thịnh; Cụm TTCN-Thương mại dịch vụ ngã ba Lạc Thiện, Cụm CN-TMDV ngã tư Trổ để sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện, tỉnh. Chú trọng cải thiện môi trường làng nghề, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao đông. Tổ chức di dời các cơ sở sản xuất tại làng nghề xã Thái Yên vào Cụm công nghiệp Thái Yên để giải quyết vấn đề môi trường. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực cho công tác đào tạo, dạy nghề trong huyện. Triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề may, sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngành công nghiệp, nhất là trình độ quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và quản lý doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho con em Đức Thọ có trình độ tay nghề, kinh nghiệm đang làm việc sinh sống ở trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh về lập nghiệp, làm ăn tại quê hương. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển CN-TTCN, khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.543.906
    Trong năm: 1.266.202
    Trong tháng: 108.600
    Trong tuần: 23.733
    Trong ngày: 1.572
    Online: 29