Trần Vĩnh Diệu sinh ra và lớn lên ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

            Từ chú bé cày ruộng trở thành giáo sư đầu ngành hóa hữu cơ của Việt Nam. Đó là anh hùng Lao động, GS -TSKH Trần Vĩnh Diệu.

Vẫn là giọng nói ấy, nhỏ nhẹ khiêm tốn mà thu hút. Vẫn là con người ấy nhanh nhẹn, tháo vát tựa một bác lực điền. Mới gặp qua, chẳng ai nghĩ ông là một giáo sư đầu ngành hóa hữu cơ của Việt Nam: Anh hùng Lao động, GS-TSKH Trần Vĩnh Diệu.

…“Năm 1978, tôi trở lại Trường hóa kỹ thuật Mendeleep Matxcơva thực hiện đề tài: Nghiên cứu tổng hợp các polymer trên cơ sở laccol, lấy từ sơn tự nhiên Việt Nam, và ứng dụng.

Thầy hướng dẫn là một nhà khoa học đầu ngành, giáo sư Sorokin. Ý tưởng chủ đạo của tôi là nghiên cứu có kết quả để ứng dụng.

Lúc này thực sự là một cuộc chiến đấu đúng với nghĩa đen của từ đó. Ăn uống thiếu thốn, thể lực và đầu óc luôn luôn căng thẳng, trong tuần hầu như không có ngày nghỉ. Sáu ngày làm việc trong phòng thí nghiệm, mỗi ngày 12 giờ, từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, chủ nhật đọc sách...

Thật sự chưa dám nghĩ đây là luận án tiến sĩ khoa học, chỉ biết trước một tháng lại thuyết trình trước một hội đồng gồm toàn những nhà khoa học sừng sỏ.

Sợ nhưng do chuẩn bị tốt nên tôi đã bảo vệ thành công luận án này. Phấn khởi hơn là chất lượng của nó đã mở ra nhiều ứng dụng cho tổ quốc trong những năm sau này".

Tuổi thơ nơi quê nghèo

Hiếu động, thông minh lại ưa sáng tạo, là con trai lớn trong nhà, để có thu nhập, việc gì Diệu cũng làm: từ phụ cắt tóc, đạp máy khâu, nấu kẹo lạc, viết khẩu hiệu thuê, làm sổ sách cho ủy ban...

Cậu còn là chân cày có hạng, chỉ nặng 35 cân, vác cày còn chạm đất mà cày đám ruộng sâu, rộng đến một mẫu rưỡi. Đường cày thẳng và đều tăm tắp.

Mùa đông cày ruộng nước lạnh tê tái mà cũng chỉ có cái áo tơi mỏng. Tuổi thơ nơi quê nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng Diệu vẫn cố gắng học hành đến nơi đến chốn.

Ở trường, Diệu là học sinh rất có kỷ luật, cẩn thận. Sau này, anh tâm sự chỉ một năm lớp 5 học Trường Thiếu sinh quân - 1950, 1951 - gặp được thầy giỏi đã giúp anh củng cố được kiến thức cơ bản, đặc biệt là được rèn luyện tính kỷ luật, ý thức đồng đội.

Học và nghiên cứu

Lúc còn học phổ thông, Trần Vĩnh Diệu khá lận đận. Cấp 1 học tốt, lên cấp 2 nhiều tác động khách quan làm học hành trồi sụt, tư tưởng phân tán đến độ có lần thi trượt phải học trường tư thục.

Tốt nghiệp phổ thông hệ 9 năm, Diệu thi đậu hạng thường vào khóa I Đại học Bách khoa năm 1956. Học kỳ 1 có một số kiến thức chưa được học nên anh khá lúng túng, bắt đầu từ học kỳ 2 bắt nhịp được lọt vào tốp dẫn đầu.

Đến 1959, anh được cử đi đào tạo chuyển tiếp ở Matxcơva. Ba năm học ở đây để lại nơi Diệu nhiều kỷ niệm đẹp.

Phó giáo sư Olga Fedotova, người trực tiếp hướng dẫn anh làm luận văn tốt nghiệp đã rèn luyện cho anh phương pháp tư duy và kỹ năng thực nghiệm.

Thỉnh thoảng, vào chủ nhật, bà gọi anh về nhà nghỉ của bà ở ngoại ô Matxcơva chơi. Tại đây anh có dịp tiếp xúc với một số chuyên gia Nga giỏi trong ngành hóa hữu cơ - con đường mà anh mãi mãi theo đuổi.

Một kết quả học tập thật hoàn hảo, luôn luôn ở tốp dẫn đầu, thi tất cả đều đạt điểm 5 và tốt nghiệp bằng đỏ.

Năm 1962 về nước giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa, Trần Vĩnh Diệu đã cống hiến hết mình cho công tác đào tạo. Đồng thời ở anh cũng bộc lộ rõ rệt khả năng và thiên hướng nghiên cứu khoa học. Vì thế đến năm 1966, anh được cử đến Trường hóa kỹ thuật Mendeleep Matxcơva thực hiện đề tài nghiên cứu về một cơ chế phản ứng.

Năm 1969, anh bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ: "Nghiên cứu động học và cơ chế phản ứng của hợp chất monoepoxy trên cơ sở đixyclopentadien với axit cacboxylic".

Đây là phản ứng tổ hợp quan trọng cho các ngành công nghiệp vật liệu hiện đại (điện, điện tử, compozit, chống ăn mòn...).

Anh lại trở về Đại học Bách khoa trực tiếp giảng dạy, vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế với chức danh chủ nhiệm bộ môn trong 8 năm liền.

Thành quả thu được từ thực tế giảng dạy và nghiên cứu trong thời gian này là tiền đề để năm 1978 anh trở lại Trường hóa kỹ thuật Mendeleep Matxcơva làm luận án tiến sĩ khoa học.

Cũng cần nói thêm, cả hai lần đi làm luận án ở Matxcơva (1966 - 1969, 1978 - 1982) nhất là thời kỳ sau, nền kinh tế Liên Xô bắt đầu có những khó khăn, nghiên cứu sinh Trần Vĩnh Diệu chỉ sống bằng học bổng tối thiểu 50 rúp. 70 rúp còn lại anh phải tiết kiệm ít nhiều để hỗ trợ cho vợ con ở nhà.

Khối lượng công việc thật sự quá tải đối với nhiều người, nhất là người trên 40 tuổi và chỉ nặng chừng 45 kg, chỉ có thể chiến thắng bởi niềm đam mê nghiên cứu học tập vô hạn của Trần Vĩnh Diệu.

Năm 1982, sau hơn 20 năm tích nạp năng lượng cả trong nước và ba lần ở nước ngoài, TSKH Trần Vĩnh Diệu đã tập trung toàn bộ trí lực cho việc trực tiếp giảng dạy hầu hết các môn học của ngành, đặc biệt là môn hóa lý polymer.

Trong công tác quản lý chuyên môn, ông là tác giả thống nhất được chương trình giảng dạy và được chấp nhận cho đến hôm nay, nghiên cứu cải tiến cơ cấu quản lý có đặc điểm thời kỳ, xem bộ môn là mắt xích quan trọng trong cơ cấu đó.

Ông đã tham gia đào tạo trên 500 kỹ sư, trực tiếp hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đồng hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh khác.

Thành tựu lớn nhất của ông là hoàn thành xuất sắc nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước và đề tài nào cũng có kết quả được ứng dụng. Có thể đơn cử đề tài sơn Epoxy-laccol để bảo vệ chống ăn mòn các xitec xe lửa chở nước mắm từ Nam ra Bắc.

Trên cơ sở kết quả của đề tài này, Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tài trợ dự án VIE/86/035 với kinh phí 1 triệu USD. Cũng cần nói thêm về câu chuyện sơn để sơn thùng đựng nước mắm đã có một số người cho là tầm thường.

Ông Diệu vẫn kiên trì làm, đầu tư để có kết quả liên tục trong 4 năm ngoài tác dụng rõ rệt được UNDP đánh giá cao như đã nói ở trên thì chính nó đã tạo bước tiến tới thành lập Trung tâm nghiên cứu vật liệu polymer ngày 4/3/1987…

Một lần trò chuyện với trung tướng, PGS - Viện sĩ Trương Khánh Châu, anh Châu vui vẻ nhận xét về GS-TSKH Trần Vĩnh Diệu: "Ông ta hơn tôi một bậc, là một nhà khoa học tài ba và đạo đức. trong giới chúng tôi hoàn toàn thán phục và nhất trí với danh hiệu Anh hùng Lao động của ông được Nhà nước phong tặng năm 2000".


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.473.477
    Trong năm: 1.306.934
    Trong tháng: 100.950
    Trong tuần: 28.198
    Trong ngày: 4.377
    Online: 17