Ông Tô Hiếu Trung (Trà Vinh) hỏi: Đất thuộc hành lang an toàn công trình giao thông, trên bản đồ thửa đất có thể hiện tiếp giáp hương lộ, như vậy hành lang an toàn công trình giao thông có phải là hành lang an toàn đường bộ không?
Ông Tô Hiếu Trung (Trà Vinh) hỏi: Đất thuộc hành lang an toàn công trình giao thông, trên bản đồ thửa đất có thể hiện tiếp giáp hương lộ, như vậy hành lang an toàn công trình giao thông có phải là hành lang an toàn đường bộ không?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Điều 14 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:
“1. Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hàng lang an toàn đường bộ.
2. Đất của đường bộ bao gồm phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ (dưới đây gọi tắt phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ là phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ).
Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ dùng để giữ vật tư sử dụng cho bảo trì, để di chuyển hoặc đặt các thiết bị thực hiện việc bảo trì, để chất bẩn từ mặt đường ra hai bên đường, chống xâm hại công trình đường bộ.
Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ có bề rộng theo cấp đường, được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào) ra mỗi bên như sau:
a) 3 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, đường cấp II;
b) 2 mét đối với đường cấp III;
c) 1 mét đối với đường từ cấp IV trở xuống”.
Theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010, giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định như sau:
“1. Đối với đường ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên là:
a) 17 mét đối với đường cấp I, cấp II;
b) 13 mét đối với đường cấp III;
c) 9 mét đối với đường cấp IV, cấp V;
d) 4 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.
2. Đối với đường đô thị, giới hạn hành lang an toàn đường bộ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”
Điều 39 Luật Giao thông đường bộ về thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ quy định như sau:
“a) Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định;
b) Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thoả thuận với Bộ Giao thông vận tải (đối với đường tỉnh) và thoả thuận với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (đối với đường đô thị);
c) Hệ thống đường huyện, đường xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định sau khi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý;
d) Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đường chuyên dùng đấu nối vào quốc lộ; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường xã.”
Về quản lý hành lang an toàn đường bộ, tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ, quản lý, bảo vệ phần hành lang an toàn đường bộ đã giải toả, bảo vệ mốc lộ giới và xử lý các hành vi vi phạm.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc xem xét ảnh hưởng của hành lang an toàn đường bộ đến thửa đất tiếp giáp hương lộ, đề nghị ông Tô Hiếu Trung có văn bản chi tiết gửi UBND huyện, UBND tỉnh để xem xét giải quyết theo thẩm quyền