Các Nghị định có hiệu lực từ giữa tháng 10/2018 (từ ngày 11 – 20/10), sau đây:
1. Bổ sung quy định về các trường hợp tinh giản biên chế Đây là quy định nổi bật tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, có hiệu lực từ ngày 15/10/2018. Theo đó: - Bổ sung đối tượng thuộc diện tinh giản là Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. - Bổ sung trường hợp tinh giản: Người đã là CBCCVC được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và NSNN hỗ trợ kinh phí trả lương nếu thuộc 01 trong các trường hợp tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định 108.
2. Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung sẽ bị tạm ngừng Chính phủ ban hành Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực từ ngày 15/10/2018. Theo đó, các trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội, gồm: - Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; - Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người; - Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; - Có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân. Các quy định về tổ chức lễ hội tại mục 3, Chương 2 Quy chế ban hành kèm Quyết định 308/2005/QĐ-TTg và Chương V Nghị định 103/2009/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 110 có hiệu lực.
3. Tăng mức phạt vi phạm về an toàn thực phẩm với thức ăn đường phố Nội dung đáng chú ý trên được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 20/10/2018, cụ thể: - Tăng mức phạt từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng thành phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng với các hành vi: + Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; + Thức ăn không được che đậy ngăn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; + Không dùng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. - Tăng phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng thành từ 1.000.000 đồng - 3.000.000 đồng đối với một số hành vi: Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống. Nghị định 115/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
4. Nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư sản phẩm hữu cơ Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, có hiệu lực ngày 15/10/2018. Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích sau: - Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; - Chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; - Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu; - Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Xem chi tiết tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018.
5. Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.