Mở rộng 2 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; sửa quy định về mức đóng BHXH hàng tháng; Tăng dần số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa; phạt đến 7 năm tù nếu trốn đóng BHXH… là những điểm mới về chính sách BHXH được áp dụng từ ngày 1/1/2018.

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, tuy nhiên, một số quy định mới về chính sách BHXH được áp dụng và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Thêm 2 đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc

Kể từ ngày 1/1/2018, bên cạnh những đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành thì 2 đối tượng sau cũng phải tham gia, cụ thể:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

 

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm tiền ăn giữa ca

Sửa đổi quy định về mức đóng BHXH hàng tháng

Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với những người đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sẽ bao gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Các khoản bổ sung khác do hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

Tăng dần số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa

Lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).

Lao động nam đủ 60 tuổi, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).

Hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện

Về mức hỗ trợ: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn:

- Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo;

- Bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo;

- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Về thời gian hỗ trợ: Tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN

Nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung tội phạm quy định liên quan đến hành vi nêu trên, cụ thể như sau:

Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên, bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.

Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với các hành vi: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm với các hành vi: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015... Ngoài ra, các hành vi gian lận về BHYT như giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định; lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc... cũng bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.467.959
    Trong năm: 1.306.912
    Trong tháng: 104.355
    Trong tuần: 27.689
    Trong ngày: 2.454
    Online: 77