Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm: tiết trời ấm áp, những làn mưa bụi dịu nhẹ đậu trên những cánh đào, sắc mai, những tán quất vàng tươi, sum suê khoe sắc…. Mỗi khi mùa xuân về, truyền thống bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam lại hiện lên rất rõ - những phong tục, tập quán tốt đẹp làm nên bản sắc văn hoá rất riêng mà không một sức mạnh bên ngoài nào có thể đồng hoá được.

Trước đây ở nước ta, hàng năm cứ đến đêm giao thừa, nhà nhà lại đốt pháo để đón chào năm mới. Tập tục này tuy có đem đến cho mọi người niềm hân hoan, phấn khỏi trong ngày lễ hội nhưng cũng tạo nên những nguy hại khôn lường. Khi đốt quá nhiều pháo nổ mà gặp lúc không có gió, áp suất khí quyển thấp thì không có cách nào làm cho bay tản đi nơi khác, sẽ kích thích mạnh đường hô hấp khiến người ta ho, viêm phế quản. Khi làm pháo, khi vận chuyển, khi đốt, trong một số bước tiến hành nếu có sơ suất có thể làm nổ một lượng lớn thuốc pháo hoặc pháo thành phẩm, có thể gây thương vong lớn. Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương do pháo và thuốc pháo gây nên. Ngoài ra khi đốt pháo, tiếng nổ đinh tai cũng gây tiếng ồn lớn, góp phần gây “ô nhiễm âm thanh” ở các thành phố. Khi đốt pháo bất ngờ có thể làm cho trẻ em, khách bộ hành kinh hoàng, gây tác động có hại cho trật tự công cộng. Về kinh tế, trước đây mỗi năm riêng việc đốt pháo của các gia đình Việt Nam đã tiêu tốn nhiều chục tỷ đồng, đó là chưa tính đến việc bắn pháo hoa công cộng. Trong khi đó, chúng ta còn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, còn nhiều vùng khó khăn rất cần sự quan tâm chia sẻ, còn rất nhiều người nghèo cần sự đùm bọc để ấm no trong những ngày Tết.

Cùng với đốt pháo nổ, việc thả đèn trời cũng đem lại nguy hiển rất lớn. Nếu đèn bay lên cao mà vướng vào dây diện sẽ gây cháy mạng điện, rất bất tiện cho đời sống. Không những thế theo quan điểm tín ngưỡng của cha ông, nhà nào có đèn trời rơi xuống tức là nhà đó dông cả năm. Chính những điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sự bình yên của các gia đình và khu dân cư.

Trong những năm qua, việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại vũ khí, vật liệu nổ là hành vi bị pháp luật: các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc nghiêm trọng và truy tố, xét xử theo pháp luật do vi phạm các quy định về phòng, chống vũ khí và vật liệu nổ. Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ là vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội; làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chính vì các tác hại nghiêm trọng nêu trên, ở nước ta đã có quy định cấm đốt pháo và được đại đa số dân chúng tự giác chấp hành. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 406/CT-TTg ngày 08/8/1994 “Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo”. Đến năm 2009, Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ “Về quản lý, sử dụng pháo”, Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” là một bước quyết liệt hơn nữa trong vấn đề quản lý pháo và “đèn trời”.

Chúng ta đang từng bước thực hiện có hiệu quả pháp luật của Nhà nước về việc  không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo, đèn trời; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản  đảm bảo ATTT trên địa bàn toàn huyện, mỗi chúng ta cần thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tuyệt đối không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo, thả đèn trời;  không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thường xuyên thực hiện nghiêm túc Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ; Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời”, nhất là dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán.

2. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo, thả đèn trời; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo, vũ khí, vật liệu nổ, phải có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.

Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, thả đèn trời; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, mang lại niềm vui Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Kỷ Hợi. Vì bình yên và hạnh phúc của cộng đồng hãy xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.451.011
    Trong năm: 1.315.446
    Trong tháng: 100.289
    Trong tuần: 22.729
    Trong ngày: 269
    Online: 25