Hợp tác xã (HTX) Thái Dương thành lập năm 1986, hoạt động chính là SXKD xuất khẩu gốm mỹ nghệ truyền thống.

HTX Thái Dương đề nghị hướng dẫn việc chuyển đổi sang công ty TNHH nhiều thành viên để bảo đảm tư cách pháp nhân trong SXKD và giao dịch.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau: Trình tự chuyển đổi HTX

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 3763/BKHĐT-HTX ngày 5/6/2019 hướng dẫn trình tự chuyển đổi HTX sang loại hình tổ chức khác.

Theo đó, căn cứ Điều 62 Luật HTX và Khoản 2, Điều 32 Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật HTX, các HTX tự rà soát, đánh giá tổ chức và hoạt động của mình. Nếu tổ chức và hoạt động của HTX không phù hợp với quy định của luật, hoặc có nhu cầu chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác và không rơi vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” như quy định tại Khoản 1, Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì thực hiện các bước chuyển đổi dưới đây:

Bước 1: Tiến hành đại hội thành viên

Tổ chức đại hội thành viên và ra nghị quyết về việc chuyển đổi HTX:

- Chuẩn bị đại hội thành viên theo quy định tại Điều 31, 32 và 33 Luật HTX và Khoản 2, Điều 32 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.

- Đại hội thành viên biểu quyết và ra nghị quyết về việc giải thể tự nguyện để thực hiện chuyển đổi HTX theo quy định tại Điều 34 Luật HTX 2012.

Bước 2: Thực hiện giải thể tự nguyện

HTX giải thể tự nguyện theo quy định tại Khoản 1, Điều 54 Luật HTX 2012. Thủ tục giải thể tự nguyện tiến hành theo Khoản 1, Điều 19 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.

Hội đồng giải thể thực hiện các công việc được quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 54 Luật HTX 2012, tham khảo theo trình tự như sau:

- Lập báo cáo kiểm kê, đánh giá toàn bộ tình hình hoạt động và tài chính của HTX theo quy định tại Thông tư 83/2015/TT-BTC ngày 28/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với HTX và Thông tư 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính, lưu ý các nội dung sau đây:

+ Xác định giá trị tài sản, vốn, quỹ quy định tại Điều 48 Luật HTX.

+ Xác định và phân loại các khoản nợ phải thu, nợ phải trả (bao gồm: Nợ BHXH; nợ người lao động; nợ các tổ chức, cá nhân khác; nợ thuế,…); danh sách chủ nợ và người vay nợ; nguồn gốc nợ và giá trị nợ.

+ Lập danh sách thành viên, người lao động, các nghĩa vụ của HTX đối với các đối tượng trên.

+ Lập danh sách các hợp đồng kinh tế, các nghĩa vụ của HTX với các đối tượng trên (ngoài hợp đồng lao động).

- Xây dựng phương án xử lý tài sản, vốn, các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng kinh tế của HTX và thông báo công khai cho thành viên, người lao động, cá nhân và các tổ chức có liên quan về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng, xử lý tài sản và vốn của HTX theo Điều 49, Luật HTX 2012 và Thông tư 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi HTX giải thể, phá sản.

- Nếu các thành viên, người lao động, cá nhân và các tổ chức có liên quan đến HTX chấp thuận phương án giải thể tự nguyện, Hội đồng giải thể lập biên bản nhất trí phương án giải thể tự nguyện với các nhóm đối tượng trên.

- Tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của HTX tại cơ quan đăng ký HTX nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của HTX (nếu có) theo Điều 16 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký HTX và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của HTX và Khoản 1, Điều 2 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT ngày 8/4/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ ngày 28/5/2019).

- HTX gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho HTX nơi HTX đặt trụ sở chính.

- Cơ quan đăng ký HTX ra xác nhận về việc giải thể tự nguyện của HTX theo quy định tại Điều 17 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT và sửa đổi tại Khoản 12, Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT.

Bước 3: Thành lập tổ chức mới theo quy định pháp luật

Việc thành lập tổ chức mới được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với tổ chức mới tương ứng.

Hướng dẫn xử lý các vấn đề liên quan

Trong trường hợp thành viên có nhu cầu ra khỏi HTX trước thời hạn giải thể tự nguyện thì thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật HTX 2012 và phải giải quyết xong trước khi tiến hành giải thể tự nguyện HTX. Đối với các thành viên khác, sẽ được hoàn trả giá trị tài sản còn lại theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 49 Luật HTX 2012.

Các vấn đề liên quan đến tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn: Đối với các tài sản không chia, tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn gốc từ hỗ trợ của Nhà nước thì xử lý theo Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi HTX giải thể tự nguyện phá sản. Các tài sản còn lại của HTX đã được báo cáo kiểm kê, nếu không phát sinh tranh chấp, khiếu nại thì tiến hành thanh lý theo Điều 49 Luật HTX 2012.

Các vấn đề về chính sách hỗ trợ của Nhà nước: Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho HTX hết hiệu lực kể từ thời điểm HTX thông báo giải thể tự nguyện.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu để áp dụng tại công văn này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới đó.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.294.418
    Trong năm: 1.355.025
    Trong tháng: 177.231
    Trong tuần: 35.024
    Trong ngày: 5.596
    Online: 54