Quy định tốc độ giới hạn các phương tiên khi tham gia giao thông, thời gian thực hiện nghĩa vụ công an, lệ phí căn cước công dân,... là một trong những chính sách mới đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 10/2019.

Tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông

Một trong những văn bản đáng chú ý có hiệu lực trong tháng 10/2019 là Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

Cụ thể, trong khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa là 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên; 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 01 làn xe.

Nếu ở ngoài khu vực dân cư thì tốc độ tối đa quy định là 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên.

Tốc độ tối đa 80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.

Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.

Các loại tài sản công dùng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT

Theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) bao gồm: Quỹ đất; Đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.

Tiếp đến là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng) và các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định 69/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2019.

Lệ phí cấp thẻ căn cước công dân

Lệ phí cấp thẻccăn cước công dân mới theo tinh thần của Thông tư 59/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 16/10/2019, quy định như sau:

Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng; Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không dùng được, khi có thay đổi thông tin cá nhân hoặc khi có sai sót về thông tin trên thẻ là 50.000 đồng

Cấp lại thẻ căn cước công dân do bị mất là 70.000 đồng. Trong trường hợp người từ đủ 14 tuổi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu; đổi thẻ khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý… không phải nộp lệ phí.

Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi

Đây là Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, áp dụng từ ngày 25/10/2019.

Theo đó, những người lao động tại các huyện nghèo được vay đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phải đặt cọc, thế chấp, cầm cố tài sản...

Tuy nhiên, để được vay số tiền này, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại huyện nghèo từ đủ 12 tháng trở lên, đã ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc.

Mức lãi suất vay ưu đãi cụ thể như sau: Nếu thuộc hộ nghèo được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định.

Trường hợp không thuộc hộ nghèo vẫn được vay vốn bằng mức lãi suất đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo không bắt buộc tốt nghiệp Đại học sư phạm

Từ ngày 24/10/2019, quy định về tiêu chuẩn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được áp dụng theo Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT.

Theo đó, bên cạnh các tiêu chuẩn chung như: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có năng lực tập hợp quần chúng… thì người được xem xét bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng sau: Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; Đã đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo hoặc chức vụ tương đương trở lên; Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và chức danh tương đương.

Dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ không phải đăng ký hợp đồng theo mẫu

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 25/2019/QĐ-TTg về việc sửa đổi Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Theo đó, bãi bỏ dịch vụ “Bảo hiểm nhân thọ” khỏi Danh mục nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ công an là 24 tháng

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Theo đó, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng (quy định hiện hành là 36 tháng). Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được kéo dài nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Nghị định 70/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10/2019.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.508.801
    Trong năm: 1.285.448
    Trong tháng: 109.144
    Trong tuần: 22.082
    Trong ngày: 130
    Online: 24