Tính đến chiều ngày 31/10/2020, trên địa bàn huyện Đức Thọ đã có gần 2500 hộ dân bị nước ngập vào nhà. Hàng chục khu dân cư bị chia cắt phải lưu thông bằng xuồng.

nhiều ngôi nhà vùng ngoài đê La Giang nước ngập sâu 

Nhiều tuyến đường liên xã bị ngập sâu phải lưu thông bằng xuồng

 

Đêm 30 đến sáng 31/10 trên địa bàn huyện Đức Thọ tiếp tục có mưa to. Nước trên các sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Sông La đều ở mức trên báo động I, riêng Sông La tại trạm Linh Cảm lúc 11h ngày 31/10 ở mức 5,00m (trên BĐI: 0,50m). Toàn huyện Đức Thọ đã có gần 2500 hộ dân bị ngập, và gần 150 km đường giao thông nông thôn bị chia cắt.

Trụ sở UBND xã Tùng Châu

Vùng ngoài đê La Giang, nước sông La lên nhanh, kết hợp với nước thượng nguồn sông Cả (Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đổ về lớn, cùng với đó nước từ hồ Khe Lang (Bình Hà) thuộc xã An Dũng, tràn qua hệ thống tràn tự do của hồ vào thời điểm mưa lớn dồn dập, đã gây ngập lụt cho 2.410 hộ dân của 11 xã bị ngập sâu trên 1 m, gồm (Tùng Châu 617 hộ, Bùi La Nhân 807 hộ, Liên Minh 223 hộ, Quang Vĩnh 160 hộ, Trường Sơn 31 hộ, Thị trấn Đức Thọ 70 hộ, An Dũng 210 hộ; Thanh Bình Thịnh 141 hộ; Tân Dân 38 hộ, Yên Hồ 25 hộ; Lâm Trung Thủy 89 hộ.

hầu hết tài sản được người dân chủ động kê gác khá an toàn

 

Nhờ có sự chuẩn bị từ trước, nên hiện tại ở các địa phương chưa có thiệt hại về người. Chị Phan Thị Thủy, thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng nói: từ tối29 là nước đã bắt đầu to, đến sáng 30 là tràn vào nhà, nghe thông báo của Đảng ủy, ủy ban, thôn xóm, gia đình cũng đã chủ động kê gác những tài sản có giá giá trị, lương thực, thực phẩm cũng đã được cất vào những nơi khô ráo. 

 

 

Tại xã Bùi La Nhân, hiện đã có 80% trong tổng số trên 1200 hộ ở vùng ngoài đê bị ngập, toàn xã hệ thống giao thông bị chia cắt. Ông Nguyễn Xuân Linh, Chu tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết: ngay khi nắm bắt được ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 thì địa phương đã triển khai các văn bản chỉ đạo của cáp trên xuống tận bà con nhân dân. Riêng xã đã phân công cán bộ trực tiếp đến tận thôn xóm, vừa nắm bắt tình hình, vừa hướng dẫn, giúp đỡ người dân ứng phó. Với tinh thần sống chung với lũ, nước lên đến đâu bà con kê gác tài sản đến đó. Đối với lương thực dự trữ, đã chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo sử dụng tại chỗ trong thời gian bị chia cắt từ 7 - 10 ngày, riêng nước uống thì hiện tại khoảng 90% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nhá máy nước sạch Bùi La Nhân, và nhà nào cũng có bể dự trữ nên vấn đề này không đáng quan ngại.

Đường vào thôn Làng Hạ xã Hòa Lạc bị ngập sâu

 

 Mưa lớn trong những ngày qua cũng đã làm 3 nhà dân, và 1 trường Mầm non ở các xã Tân Dân, Hòa Lạc và Thị trấn Đức Thọ bị sập và tốc mái. Ngay sau khi sự cố xảy ra, cấp ủy chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục kịp thời. Ông Nguyễn Văn Hùng, tổ trưởng tổ dân phố 6 Thị trấn cho hay: Trong đợt mưa lũ từ ngày 28/10, tổ dân phố chúng tôi có gia đình bà Nguyễn Thị Hà, sống 1 mình bị tốc mái nhà, ngay sau khi nhận được tin báo chúng tôi đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền Thị và đã được chỉ đạo di dời bà Hà đến nơi tránh trú an toàn, đồng thời sáng 31/10 đã huy động lực lượng giúp bà Hà tháo dỡ nhà, để khởi công xây dựng nhà mới vào ngày 01/11.

 

Nhiều tuyến đường và nhà dân ở thôn Đông Dũng xã An Dũng cũng bị ngập sâu

 

Mưa lớn không chỉ gây ngập lụt ở các địa phương, mà còn gây sạt lở nghiêm trọng ở các xã vùng thượng như: Đức Lạng, Hòa Lạc. Vì vậy công tác sơ tán người dân đến những nơi an toàn, luôn được huyện Đức Thọ và lãnh đạo các địa phương quan tâm. Đến thời điểm này 7 hộ, với 20 nhân khẩu ở núi Rú Dầu thôn Thượng Tiến xã Hòa Lạc đã được di dời đến nơi tránh trú an toàn. Nếu trời tiếp tục mưa, và nước ở các con sông tiếp tục lên, sẽ di dời thêm 11 hộ, 39 nhân khẩu ở 2 thôn Vĩnh Yên, Hà Cát xã Đức Lạng, 6 hộ, 10 nhân khẩu thôn Hòa Thái, và Phúc Xá xã Hòa Lạc.

Lãnh đạo tỉnh và huyện trực tiếp đến thăm hỏi tặng quà cho các hộ dân bị ngập sâu

 

Mưa lũ cũng đã làm ngập nhiều chuồng trại chăn nuôi, và cây trồng vụ đông bị thiệt hại. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có gần 3000 con gia cầm chết, 14 ha nuôi trồng thủy sản bị nước cuốn trôi, gần 500 ha ngô và rau màu vụ đông dập nát, cùng hàng trăm cây ăn quả các loại bị gãy đổ. Toàn huyện có trên 50 km đường giao thông nông thôn bị chia cắt, trong đó gần 3 km đã bị sạt lở và xuống cấp nghiêm trọng, trên 100 m tường rào xây bị đổ. Hiện toàn huyện chưa có thiệt hại về người.

Lực lượng thường trực từ huyện đến cơ sở luôn có mặt ở các nơi xung yếu

 

Dự báo chiều và đêm 31/10, lũ trên sông có khả năng như sau: Trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ ở mức: 11,6m (trên mức BĐI: 0.1m), tại trạm Hòa Duyệt ở mức: 8,6m (dưới mức BĐII: 0,4m). Trên sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm ở mức: 8,5m (dưới BĐI: 1,5m). Trên sông La ở mức: 5,0m (trên BĐI: 0,5m). Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi, vùng ven sông. Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã phân công các tổ công tác Thường trực tại các địa phương để có phương án ứng phó, cứu hộ kịp thời, tuyệt đối không để thiệt hại về người và tài sản nhân dân./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.295.371
    Trong năm: 1.355.770
    Trong tháng: 178.814
    Trong tuần: 34.339
    Trong ngày: 1.135
    Online: 96