Sáng ngày 26/12 (nhằm ngày 13/11 Canh Tý), tại thôn Đông Thái, xã Tùng Ảnh. UBND huyện Đức Thọ phối hợp với Dòng họ Phan Đình, long trọng tổ chức lễ húy kỵ 125 năm ngày mất Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng - Lãnh tụ phong trào Cần Vương.
Dự lễ có Đ/c Trần Quang Tuấn, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Đ/c Đặng Giang Trung, Phó BT Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện, Đ/c Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Phòng, ban Cấp huyện, UBND xã Tùng Ảnh, con cháu dòng họ Phan Đình và các dòng họ, nhân dân trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Hùng
Diễn văn tại lễ Húy kỵ do Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Hùng thể hiện đã khái quát những nét nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng; bày tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với cụ và nghĩa quân đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phan Đình Phùng tên hiệu là Châu Phong, sinh năm 1847, tại làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Năm 29 tuổi, ông đã đậu Cử nhân và một năm sau đó ông đậu Tiến sỹ, được bổ nhiệm làm Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình).
Bà Trần Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông huyện
Năm 1878, ông được triều đình Huế điều về kinh thành giữ chức Ngự sử Đô sát viện. Năm 1883, vì phản đối thực dân Pháp phế vua Dục Đức lập vua Hiệp Hoà, ông bị cách chức, trở về quê. Năm 1885, Phan Đình Phùng yết kiến vua Hàm Nghi và chính thức tuyên bố hộ giá Cần Vương, kêu gọi nhân dân, chiêu tập binh sĩ đánh Pháp. Cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo kéo dài 10 năm. Tuy thất bại nhưng đã để lại nhiều bài học quý báu về đấu tranh vũ trang, xây dựng lực lượng, chiến tranh du kích. Là đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Ông hy sinh ngày 28/12/1895, sau một trận giao tranh ác liệt với giặc Pháp tại căn cứ nghĩa quân ở Vụ Quang, Ngàn Trươi.
Hàng năm, cứ đến ngày 13 tháng 11 âm lịch, cán bộ, nhân dân và con cháu dòng họ tổ chức lễ húy kỵ tưởng nhớ đến cụ, người có công lao to lớn đối với đất nước, qua đó nhằm giáo dục cho các thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ trẻ biết hướng về cội nguồn dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng học tập, lao động sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.