Xe vô thừa nhận quá 30 ngày sẽ bị tịch thu; cấm lao động ra nước ngoài làm nghề massage... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Xe vô thừa nhận quá 30 ngày sẽ bị tịch thu
Nghị định 31 có hiệu lực từ 1/5 quy định trong 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở.
Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng được rút ngắn còn một lần, thay vì ít nhất hai lần như quy định hiện hành.
Trường hợp hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối nhưng người vi phạm không đến nhận tang vật, phương tiện, cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện vi phạm để bán đấu giá, nộp ngân sách nhà nước.
Lý giải việc rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu trên, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) nói "nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng nhanh chóng làm các thủ tục xử lý tang vật, phương tiện".
Cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage
Nghị định 38/2020 có hiệu lực ngày 20/5 quy định 7 công việc người lao động Việt Nam không được làm việc ở nước ngoài. Trong đó có những công việc như: Massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); làm việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột có độc tính mạnh...
Công dân có quyền khai thác hình ảnh, âm thanh của tổ chức cá nhân
Nghị định 47/2020về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, có hiệu lực từ ngày 25/5 quy định công dân có quyền khai thác, chia sẻ hình ảnh, âm thanh của tổ chức hoặc cá nhân, nhưng không được xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân.
Các dữ liệu số mà người dân có thể được khai thác, chia sẻ là loại dữ liệu dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được thể hiện bằng tín hiệu số.
Tuy nhiên, nghị định cũng ràng buộc trách nhiệm của người dân khi khai thác, chia sẻ dữ liệu không được vi phạm các hành vi, như: cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật...