Trở về đời thường sau những năm tháng cầm súng chiến đấu trên chiến trường C ác liệt, đối mặt với không ít khó khăn, nhưng thương binh Thái Văn Tương, thôn Ngọc Lâm, xã Lâm Trung Thủy, luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa đóng góp công sức cho hoạt động địa phương.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông Tương trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường Lào từ năm 1972 – 1982. Đất nước hòa bình, ông mang theo những vết thương, lại vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục xung phong trên các mặt trận phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động của địa phương. Ông là tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn, nhưng không phế”.
Ở tuổi gần thất thập, thương binh Thái Văn Tương vẫn còn nhớ như in, những ngày tháng chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào. Với ông, đó là khoảng thời gian phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng rất tự hào của tuổi đôi mươi. Trở về quê hương, mặc dù mang trong mình nỗi đau do thương tích của chiến tranh để lại, hễ trái gió trở trời, lại đau nhức nhối, nhưng ông vẫn hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Khai thác lợi thế của xã vùng lúa, ông nhận 6 sào ruộng để sản xuất. Vất vả, cực nhọc, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy những năm gần đây, khi chủ trương xây dựng NTM được triển khai, ông đã mạnh dạn cải tạo mảnh vườn trên 1500 m2 để xây dựng vườn mẫu. Với sự cần cù, siêng năng, và ý chí không ngại khó, ngại khổ, giờ đây trong vườn của gia đình ông luôn đa dạng các loại cây trồng, bao gồm cây ăn quả, các loại rau củ ngắn ngày và dài ngày, xanh tốt quanh năm.
Hàng năm ông còn xuất chuồng từ 2 – 3 lứa gà và ngan ngỗng, mỗi lứa 100 con.
Ông còn mở một ki ốt nhỏ kinh doanh hàng tạp hóa, và vật tư nông nghiệp. Tổng thu nhập của gia đình ông trừ chi phí còn lãi ròng từ 80 – 100 triệu đồng/năm.
Ông Tương chia sẻ: Thời gian quân ngũ đã rèn luyện cho tôi ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ. Rời quân ngũ, hành trang của tôi mang theo là chiếc balo bạc màu, và ký ức tự hào về hình ảnh người lính cụ Hồ. Khi trở về đời thường, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều so với đồng đội, cho nên không vì lý do gì mà bản thân không cố gắng để lập thêm nhiều chiến công hơn nữa trong xây dựng, phát triển quê hương. Giờ đây ngày ngày ngắm nhìn thành quả lao động của bản thân có thêm động lực để còn sức là còn cống hiến.
Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, thương binh Thái Văn Tương còn là người đã có nhiều đóng góp cho các phong trào, hoạt động của địa phương. Trong suốt gần 40 năm qua, sau khi trở về địa phương năm 1982 đến năm 2020, ông Tương đảm nhận nhiều chức vụ chủ chốt như: chủ nhiệm HTX mua bán, kiểm soát HTX nông nghiệp, chi hội trưởng CCB...nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc.
Thương binhThái Văn Công – Thôn trưởng thôn Ngọc Lâm, xã Lâm Trung Thủy cho hay: Trong những năm gần đây phong trào xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu ở thôn Ngọc Lâm được lan tỏa sâu rộng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng CCB, mà thương binh Thái Văn Tương là một điển hình. Dù tuổi đã cao nhưng đồng chí luôn hăng hái trong lao động sản xuất, góp công, góp của để làm tuyến đường hoa, bờ rào xanh...
Trở về sau cuộc chiến, dù những cơn đau vẫn đeo đẳng, nhưng thương binh Thái Văn Tương luôn rèn luyện, để xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Ghi nhận những thành tích trên, nhiều năm liền ông được Hội CCB huyện Đức Thọ và xã Lâm Trung Thủy khen thưởng.