Trong những năm qua, vụ đông đã trở thành một trong 3 vụ sản xuất chính trong năm ở huyện Đức Thọ. Thu nhập từ sản xuất vụ đông đã góp phần tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Vì vậy mặc dù hiện nay, tiến độ sản xuất chậm do ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng bà con nông dân các địa phương trong huyện vẫn tranh thủ thời tiết để tập trung khép kín trên 1300 ha các loại cây trồng vụ đông trên địa bàn.

Nông dân xã Lâm Trung Thủy tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống đồng khép kín diện tích hành tăm.

Trong những năm qua, cây hành tăm đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, và trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông, trên đồng đất của xã Lâm Trung Thủy. Mỗi ha hành tăm ở đây cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/vụ. Do ảnh hướng của đợt mưa giữa tháng 9 vừa qua nên năm nay, bà con nông dân ở xã Lâm Trung Thủy gieo trỉa hành tăm vụ đông muộn hơn. 

Gia đình bà Lê Thị Xanh, ở thôn Trung Đông nhiều năm qua đều sản xuất hơn 1 sào hành tăm vụ đông. Năng suất bình quân đạt từ 3 – 4 tạ. Như năm 2020 giá hành giảm một nửa so với những năm trước, nhưng bà Xanh vẫn thu về gần 5 triệu đồng. Năm nay thời vụ muộn, nên khi xuống giống hành tăm, bà còn gieo trỉa thêm các loại rau màu ngắn ngày để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Bà Xanh cho biết: năm được giá 1 sào hành tăm của gia đình tôi thu về gần 10 triệu đồng. Hành tăm trồng khá dài ngày nên ngay sau khi xuống giống chúng tôi trỉa thêm các loại rau ngắn ngày như cải, rau thơm, xung quanh đúc thêm bí, mướp, để tăng thêm thu nhập, như năm 2020 thu hoạch được trên 200 quả bí. Nói chung là vụ đông ở đây chúng tôi tận dụng hết diện tích để sản xuất. 

Ngoài hành tăm, bà con nông dân xã Lâm Trung Thủy còn tận dụng tối đa diện tích để gieo trồng các loại rau an toàn.

Vụ đông năm nay, xã Lâm Trung Thủy sản xuất trên 40 ha cây trồng các loại, trong đó hành tăm chiếm tới 95% diện tích. Chủ yếu được trồng ở những vùng ruộng cao cưỡng, cồn bãi, vườn hộ, và có khoảng 5 ha được trồng tập trung, mỗi vùng 1 ha. Ông Phan Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết thêm: Để từng bước đưa cây hành tăm, cũng như các loại rau màu vụ đông trở thành hàng hóa, trong những năm qua, xã Lâm Trung Thủy đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để quy hoạch vùng, đồng thời cải tạo mặt bằng, hệ thống bờ rào, mương tiêu thoát nước. Từ đó chuyển đổi từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, quy mô vườn hộ, sang sản xuất tập trung quy mô lớn.

Hành tăm là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi chi phí nhiều về giống, phân bón, công chăm sóc. Theo tính toán của bà con nông dân, nếu thời tiết thuận lợi, canh tác đúng quy trình kỹ thuật, mỗi ha hành tăm cho sản lượng từ 6 – 8 tấn. Với giá bán từ 30 - 35 ngàn đồng/1kg, cây hành tăm gieo trồng trên đồng đất Lâm Trung Thủy cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/1ha.

Trong những năm qua, nhiều địa phương ở huyện Đức Thọ luôn chú trọng phát triển các loại cây trồng trong vụ đông. Từ đó hình thành những vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng hàng hóa.

Cánh đồng rau của HTX rau an toàn, tổ dân phố Đại Nghĩa, Thị trấn Đức Thọ 

Thị trấn Đức Thọ có diện tích sản xuất nông nghiệp không lớn, nhưng bà con nông dân nơi đây đã năng động, chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, nhất là rau màu vụ đông. Do vậy mô hình HTX sản xuất rau rau an toàn, với 24 ngàn m2 đã được quy hoạch, ở tổ dân phố Đại Nghĩa, với 24 hộ tham gia. Việc tổ chức sản xuất ở đây diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là vụ đông và đông xuân.

Ông Phạm Ngọc Lân, Tổ dân phố Đại Nghĩa, thị trấn Đức Thọ cho hay: Tham gia vào HTX rau đã tạo thuận lợi cho nông dân trong sản xuất, vì ruộng đã được tích tụ. Hiện hơn 2 sào đất trồng rau của gia đình tôi đã được tích tụ về 1 nơi. Sản xuất vụ đông cho thu hoạch hàng ngày, nhất là thời điểm vụ đông, rau hiếm, nên làm được dễ bán và giá cả cao hơn.

Nhiều hộ ở HTX rau an toàn Thị trấn đã lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới chủ động hoàn toàn.

Rau màu là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, lên tới hàng trăm triệu đồng/ha, đặc biệt là trong vụ đông, nên dù bị thiệt hại, ngay sau khi đất ráo, bà con nông dân ở HTX rau an toàn Đại Nghĩa lại tập trung ra đồng để khép kín diện tích. Bà Trần Thị Sen, Tổ dân phố Đại Nghĩa, thị trấn Đức Thọ nói: chúng tôi làm rau quanh năm, nhưng vụ đông nếu không có mưa lũ thì phần lớn thời tiết thuận lợi cho rau phát triển, vì vậy ngày ráo cũng như mưa, chúng tôi đều bám đồng để vừa sản xuất, vừa bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh. Không sử dụng thuốc trừ sâu nên càng phải chăm sóc cẩn thận. Làm thì thu nhập hàng ngày cũng được đôi ba trăm ngàn.

Sau 5 năm, HTX sản xuất rau an toàn ở tổ dân phố Đại Nghĩa, Thị trấn Đức Thọ đã cho thấy hiệu quả. Nông dân dần tiếp cận với quy trình sản xuất khép kín, quỹ thời gian nhàn rỗi được tận dụng tối đa. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất thường xuyên được đầu tư xây dựng, nhiều hộ lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới tự động, địa phương còn hỗ trợ một phần giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó bà con nông dân yên tâm sản xuất. Giá trị thu nhập đạt từ 9 - 10 triệu đồng/sào/vụ.Hiện nay, các giống rau được bà con nông dân lựa chọn trồng, và xem như thế mạnh đó là các loại rau gia vị. Bởi trồng các loại rau này hạn chế được sâu bệnh, do vậy không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đến nay, Thị trấn Đức Thọ đã hình thành 3 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, mỗi vùng 2 ha trở lên. Cùng với đó là hàng chục ha được sản xuất trong các vườn hộ. Sản xuất rau vụ đông ở Thị trấn Đức Thọ còn góp phần cải tạo đất, đảm bảo tốt các điều kiện để sản xuất nguồn rau phục vụ tết Nguyên đán.

Sản xuất vụ đông từ nhiều năm nay đã được người dân trên địa bàn huyện Đức Thọ tích lũy kinh nghiệm, tập trung đầu tư cây giống, công chăm sóc, để  tăng năng suất, sản lượng, đưa lại giá trị kinh tế cao. Năm nay, toàn huyện gieo trồng trên 1.300 ha cây trồng vụ đông, trong đó ngô, và lạc gần 900 ha, còn lại là rau màu các loại.

Đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo trồng được gần 1000 ha cây trồng vụ đông. Mặc dù do ảnh hưởng của các đợt mưa liên tiếp, nhưng hiện nay, cây ngô trỉa sớm ở các xã vùng thượng đã phát triển tốt, bà con đang tập trung chăm sóc, làm cỏ, vùn gốc để cây phát triển tốt, đều, và hạn chế sâu bệnh.

Các địa phương ngoài đê, vùng trà sơn, cũng đang tranh thủ tối đa thời tiết tạnh ráo, huy động nhân lực, phương tiện để làm đất tiếp tục sản xuất. Phấn đấu khép kín diện tích cây trồng vụ đông./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.446.758
    Trong năm: 1.323.074
    Trong tháng: 101.442
    Trong tuần: 23.081
    Trong ngày: 3.014
    Online: 62