Bằng nghị lực, quyết tâm và biết lựa chọn đúng hướng lập thân, lập nghiệp, đoàn viên Trần Ngọc Toại, ở thôn Long Lập, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ đã biến đồng ruộng ngập nước thành trang trại nuôi ốc bươu đen. Mô hình đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Là người có chí hướng, không ngại khó, ngại khổ, sau khi bỏ công việc lao động ở nước ngoài để về quê, anh Trần Ngọc Toại nhen nhóm ước mơ phát triển kinh tế, trên chính quê hương của mình.

 

Qua tìm hiểu, nhận thấy ốc bươu đen là loài dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên anh Toại quyết định đầu tư nuôi ốc bươu đen.

Nói là làm, năm 2018, anh xin đấu thầu 1 ha vùng đất nông nghiệp ngập nước để làm trang trại nuôi ốc bươu đen (hay còn gọi là ốc nhồi). Để có con giống, anh đến các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để mua ốc giống về nuôi.

Mặc dù đã tích lũy được chút ít kiến thức, kinh nghiệm, nhưng thời gian đầu, ốc phát triển chậm và chết dần, có những thời điểm ốc chết nổi đầy mặt nước. Kết quả vụ đầu, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Thất bại này không làm anh nản lòng. Anh lại khăn gói đi học hỏi thêm kỹ thuật nuôi ốc và tiếp tục thả nuôi.

 

Anh Toại cho biết: ốc tuy sống ở dưới bùn nhưng lại rất ưa sạch, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh. Thức ăn của ốc nhồi cũng cần đầy đủ, đều đặn, với các loại hoàn toàn từ tự nhiên như: lá khoai, lá sắn, bèo cám…. Ốc nhồi thường có thời gian sinh sản bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Khi ốc sinh sản cần gom trứng về ấp để tỷ lệ nở cao, thời gian ấp trứng từ 10 - 15 ngày ốc nở 1 tổ. Ốc nhồi nuôi sau 4-5 tháng là có thể bán.

Hiện, ốc thịt có giá từ 70 đến 80 nghìn đồng/1kg, ốc con có giá 5 triệu đồng/1kg, ốc giống bố, mẹ từ 180 đến 200 nghìn đồng/1kg. Trong năm 2020, anh Toại thu về trên 500 triệu đồng. Thông qua các hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội facebook, anh Toại đã kết nối với thị trường tiêu thụ ốc nhồi trong và ngoài tỉnh. Ốc giống do anh Toại sản xuất được thị trường ưa chuộng.

Hiện trong ao nuôi của anh còn khoảng hơn 5 vạn ốc bố mẹ, phục vụ sản xuất con giống. Với phương châm “Cùng hợp tác, cùng phát triển”, anh Toại chuyển giao lại toàn bộ kỹ thuật nuôi ốc nhồi cho khách hàng mua ốc giống một cách tận tình, người dân trong và ngoài địa phương đến học hỏi, phát triển mô hình nuôi ốc nhồi hiệu quả.

Đây là mô hình khởi nghiệp có nhiều ưu điểm như: tiết kiệm chi phí đầu tư, nhanh thu hồi vốn, lợi nhuận cao nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Sắp tới, Đoàn xã sẽ triển khai cho đoàn viên, thanh niên tham quan học hỏi mô hình của anh Toại  để phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Xuân Điệp, Bí thư Đoàn xã Tân Dân, huyện Đức Thọ cho hay.

 

Không dứng lại ở đó, anh Toại đang tiếp tục nhận đấu thầu 5 ha đất nông nghiệp của xã, để xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, hiện nay anh đã xuống giống thử nghiệm 1 ha cây dược liệu gồm Sung Mỹ, Hà thủ ô, Bố Chính. Đây là mô hình điển hình của tuổi trẻ xã Tân Dân, và là hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

 

Với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, anh Toại đã gặt hái được những thành công bước đầu trong quá trình phát triển kinh tế. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay. Trần Ngọc Toại xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong làm giàu từ nông nghiệp, trên chính mảnh đất quê hương mình.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.257.094
    Trong năm: 1.324.746
    Trong tháng: 168.340
    Trong tuần: 45.548
    Trong ngày: 8.412
    Online: 129