Vượt qua khó khăn của dịch bệnh covid 19, sự khắc nghiệt của thời tiết, bà con nông dân ở huyện Đức Thọ đang nỗ lực khép kín diện tích cây trồng cạn vụ hè thu.
Bà con nông dân xã Tùng Châu chăm sóc cây trồng hè thu.
Trên các xứ đồng xã Tùng Châu, nhiều diện tích đậu hè thu đã lên xanh, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, đồng thời trỉa dặm, trỉa lại 25 ha bị hư hỏng nặng, do ảnh hưởng của cơn bão số 2.
Những năm gần đây sản xuất cây trồng màu khá thuận lợi, nên bà con nông dân rất phấn khởi, hồ hởi để ra đồng sản xuất.
Ông Trần Văn Bát, Thôn Tân An, xã Tùng Châu, Đức Thọ nói: tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi, đáng là tuổi để nghỉ ngơi, dưỡng già, nhưng xuất thân là người nông dân thì phải bám ruộng, mới có tiền trang trải cuộc sống, không phải dựa vào con cháu, dịch bệnh covid 19 tránh tụ tập, đi đây đi đó nên chúng tôi cũng có nhiều thời gian hơn để chăm sóc đồng ruộng. Thời điểm này, tôi đang tập trung cuốc xới, chăm sóc, làm cỏ, để 2 sào đậu của gia đình đạt năng suất, đưa lại giá trị thu nhập. Những năm gần đây sản xuất cây trồng màu khá thuận lợi, nên chúng tôi rất phấn khởi, hồ hởi để ra đồng sản xuất.
10 ha lạc hè thu ở thôn Châu Thịnh đã lên xanh.
Là xã có lợi thế trong sản xuất các loại cây trồng cạn vụ hè thu, năm nay, xã Tùng Châu tăng diện tích sản xuất lạc hè thu, từ 8 ha lên trên 10 ha, chủ yếu tập trung ở thôn Châu Thịnh. Ông Trần Quyền, Thôn trưởng thôn Châu Thịnh, xã Tùng Châu, Đức Thọ cho hay: Mùa này là mùa thứ 4 thôn chúng tôi đưa cây lạc vào sản xuất trong vụ hè thu. Qua mấy năm sản xuất thấy lạc trái cho năng suất, chất lượng, mà giá thành lạc giống cao, nên bà con rất hồ hởi, phấn khởi. Năm nay, chúng tôi mở rộng thêm diện tích ở những rìa làng sản xuất đậu kém để trồng trỉa lạc. Vì được quy hoạch liền vùng nên rất thuận lợi trong quá trình làm đất, bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay cây lạc đã ra hoa, chúng tôi đang tập trung làm cỏ, chăm sóc, đặc biệt là xới xáo để cây phát triển tốt và tỷ lệ đậu quả cao, hiện tại chưa có dấu hiệu gì phát sinh các loại sâu và bệnh.
100% ha cây trồng cạn hè thu ở xã Tùng Châu đã được khép kín, trong đó gần 130 ha đậu, hơn 10 ha lạc, 10 ha ngô.
Là xã ngoài đê, sản xuất hè thu thường gặp nhiều khó khăn, thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, vì vậy, việc chạy đua với thời vụ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của cấp uỷ, chính quyền địa phương, để có một vụ hè thu ăn chắc. Anh Đậu Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND xã Tùng Châu, Đức Thọ cho biết thêm: Là xã ngoài đê, sản xuất hè thu thường bị ngập lụt, vì vậy việc chạy đua với thời vụ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của cấp uỷ, chính quyền địa phương,, để có một vụ hè thu ăn chắc. Mặc dù phải tập trung cao cho phòng chống dịch bệnh covid 19, nhưng địa phương vẫn hết sức quan tâm đến tiến độ sản xuất trên đồng ruộng. Nhờ xuống giống sớm nên đến nay, 100% ha cây trồng cạn hè thu đã được khép kín, trong đó gần 130 ha đậu, hơn 10 ha lạc, 10 ha ngô...Có thể nói hàng năm, sản xuất hè thu đưa lại năng suất đáng kể cho bà con nông dân địa phương, bình quân mỗi ha đậu đạt từ 2 – 2,2 tấn.
Gian đình anh Trần Khắc Nghĩa, Thôn Hoa Đình, xã Bùi La Nhân đang tập trung gieo trỉa 2 sào đậu đỏ.
Còn tại xã Bùi La Nhân, hè thu năm nay, nhiều hộ đã chuyển đổi từ giống đậu xanh địa phương, sang sản xuất giống đậu đỏ. Vì đậu đỏ có giá trị kinh tế cao hơn,giá bán đậu xanh dao động từ 20 – 25 ngàn đồng/kg, đậu đỏ 40 ngàn đồng/kg. Như vậy chỉ sau 45 ngày xuống giống, bà con nông dân trồng đậu đỏ ở đây có thể thu về 4 triệu đồng/sào. Anh Trần Khắc Nghĩa, Thôn Hoa Đình, xã Bùi La Nhân, Đức Thọ nói: Mặc dù nắng nóng, dịch bệnh, nhưng vẫn còn kịp thời vụ nên gia đình tôi tập trung gieo trỉa 2 sào đậu đỏ. Vì đây là giống đậu có giá bán cao hơn nhiều so với đậu xanh. Để tránh nắng nóng, chúng tôi ra làm từ 5h sáng đến khoảng 8h là về, buổi chiều từ 17h đến 19h. Trong quá trình sản xuất chúng tôi thực hiện nghiêm quy định 5 k là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Vụ hè thu năm nay, thôn Hoa Đình xã Bùi La Nhân gieo trỉa 11 ha đậu các loại.
Đến thời điểm này, huyện Đức Thọ đã cơ bản gieo trỉa xong 900 ha đậu, 200 ha ngô, và hơn 10 ha lạc vụ hè thu. Để có một vụ mùa ăn chắc, các địa phương đã quy hoạch sản xuất liền vùng, liền thửa, mỗi vùng tối thiểu 10 ha trở lên. Bà con nông dân ở Đức Thọ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ sản xuất, gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh./.