Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài có tác động không nhỏ đến đàn gia súc. Bà con nông dân trên địa bàn huyện Đức Thọ đã áp dụng các biện pháp phòng chống rét, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn vật nuôi.
Trong những ngày giá rét, gia đình ông Trần Văn Kha, thôn Yên Phú, xã Liên Minh thường xuyên đốt củi để sưởi ấm cho đàn vật nuôi.
Thời điểm này, hầu hết tại các địa phương, người dân tập trung thực hiện tích trữ thức ăn, giữ ấm chuồng trại, tuyệt đối không thả rông đàn trâu, bò ngoài trời... nhằm chống rét cho đàn vật nuôi của gia đình. Gia đình ông Nguyễn Thái Sơn, thônYên Mỹ, xã Liên Minh hai năm nay phát triển kinh tế nhờ vào chăn nuôi trâu bò, với tổng đàn 20 con. Ông Sơn cho biết: “ Ngay từ đầu mùa đông, gia đình ông đã chủ động sửa chữa, gia cố, che chắn lại chuồng trại, đảm bảo kín gió để bảo vệ đàn vật nuôi. Ngoài ra, ông chú trọng đến công tác vệ sinh chuồng trại, dự trữ rơm khô, cám ngô, cám gạo, cây chuối đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò. Thực hiện tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y”.
Ông Nguyễn Thái Sơn, thôn Yên Mỹ, xã Liên Minh chủ động bảo vệ cho “đầu cơ nghiệp” của gia đình trong những ngày rét đậm, rét hại.
Ông Trần Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: “Để duy trì ổn định tổng đàn trên 400 con trâu, bò của toàn xã, trong mùa đông năm nay, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài, chính quyền địa phương đã cử cán bộ thú y thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét, sớm phát hiện những dấu hiệu về dịch bệnh trên đàn gia súc để có phương pháp điều trị kịp thời. Vụ đông năm nay, ngoài gieo trỉa trên 10 ha vùng sản xuất rau đậu an toàn, UBND xã cũng đã vận động nhân dân gieo trỉa gần 30 ha ngô đảm bảo đủ nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc”.
Bổ sung thức ăn tinh bột và muối.
Không chỉ ở xã Liên Minh mà hiện nay, các biện pháp phòng tránh rét cho gia súc, gia cầm được huyện Đức Thọ triển khai đồng bộ ở các xã, thị trấn. Thực tế hiện nay, người chăn nuôi đã nhận thức được giá trị kinh tế mà gia súc mang lại nên đã chủ động dự trữ thức ăn, chú trọng gia cố, vệ sinh chuồng trại và có ý thức chăm sóc, quản lý, tiêm phòng dịch. Ông Hà Quang Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT - Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: “Huyện Đức Thọ hiện có tổng đàn trâu bò gần 26.000 con, lợn trên 30.000 con. Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển và sinh trưởng tốt trong mùa đông, Trung tâm đã phân công cán bộ chuyên môn đến từng xã đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng những biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời, chỉ đạo các xã tập trung hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo kín gió, cho uống nước ấm, bổ sung chất dinh dưỡng… để tăng cường sức khoẻ cho đàn vật nuôi. Khi có hiện tượng vật nuôi ốm, bệnh phải báo cho chính quyền và cán bộ chuyên môn”.
Người dân chủ động trồng cỏ voi để có thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông...
... và đã chủ động đưa trâu, bò về chuồng khi nhiệt độ xuống quá thấp.
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, công tác phòng, chống đói, rét, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm được xem là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương và bà con nông dân trong thời điểm hiện nay./.