Sáng ngày 27/5, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức chủ trì buổi làm việc để nghe nội dung thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Quang Vĩnh và Tùng Châu. Cùng dự có Phó BT thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Đặng Giang Trung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trần Hoài Đức, đại diện các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Duy Ba, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thành Đức thông qua một số điểm chính của Dự án, trong đó nhấn mạnh tiềm năng lợi thế của vùng đất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đề án, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do các nhà đầu tư: Liên doanh Công ty cổ phần Thành Đức, Công ty TNHH xây dựng Thành Phát, Công ty CP SITEC Việt Nam xây dựng với diện tích 150ha để trồng ngô sinh khối và sâm Bố Chính tại 2 xã Quang Vĩnh và Tùng Châu. Trong đó, 74 ha trồng ngô sinh khối, 74 ha trồng sâm Bố Chính, 2 ha xây dựng nhà điều hành, nhà máy chế biến và đóng gói viên nén ngô sinh khối. Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 là 125 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước đầu tư 70 tỷ đồng
Ông Ngô Vi Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Quang Vĩnh hoàn toàn đồng ý với chủ trương xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn xã. Tuy nhiên, đây là khu vực có 50ha thuộc 2 vùng bãi Nghẽn và bãi Vi, do nhân dân xã Quang Vĩnh đang sản xuất lạc, đậu 2 mùa/năm, mang lại thu nhập chính cho người dân. Nên cần có chủ trương để chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất dự án, tổ chức họp dân để trao đổi, tuyên truyền, vận động, có hỗ trợ xứng đáng cho người dân, doanh nghiệp phải cam kết tạo công ăn việc làm cho chính những người dân bị thu hồi đất.
Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Chủ tịch UBND xã Tùng Châu cho rằng: Chủ trương thu hút Doanh nghiệp vào địa phương đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là việc làm cần thiết.. xã Tùng Châu hiện có 50 ha đất bãi bồi ven sông do địa phương quản lý, đang cho các hộ dân và doanh nghiệp đấu thầu sản xuất nông nghiệp. Đề nghị các nhà đầu tư làm việc để có kế hoạch hỗ trợ những doanh nghiệp đang khai thác. sớm tổ chức họp dân và công bố chủ trương, tuyên truyền và cam kết giải quyết sử dụng lực lượng lao động tại chổ, cụ thể là những người nông dân đang sản xuất trên diện tích đất bị thu hồi.
Ông Thái Sơn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên -Môi trường huyện Đức Thọ: Đề nghị nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương 2 xã Tùng Châu và Quang Vĩnh để phân định cụ thể từng loại đất, khảo sát chi tiết để có phương án bổ sung.
Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng NN - PTNT huyện: Để tránh tình trạng nhỏ lẽ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp thì cần phải có bà đỡ, vì thế việc Doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là điều hết sức thuận lợi. Ngoài việc nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, doanh nghiệp còn là đơn vị vệ tinh thu mua sản phẩm cho người dân sản xuất trong khu vực lân cận. Tuy nhiên đối với Doanh nghiệp cũng cần phải xác định rõ, đầu tư sản xuất thật tránh tình trạng thuê đất rồi để đó.
Phó BT thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Đặng Giang Trung: xây dựng khu sản xuất nông nghiệp cao phải gắn với sự phát triển bền vững, lâu dài, đặt hiệu quả kinh tế, lợi ích nhân dân lên hàng đầu, tạo niềm tin trong nhân dân.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trần Hoài Đức: Để phát triển sản xuất nông nghiệp trước hết cần phải có bước đột phá, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Do đó, việc Doanh nghiệp vào đầu tư khu sản xuất nông nghiệp Công nghệ cao là cần thiết, nhưng phải tính toán về hiệu quả kinh tế, giải phóng sức lao động, nâng cao đời sống của người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó BT thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Đặng Giang Trung và Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trần Hoài Đức đều đánh giá cao việc xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Đức Thọ. Đồng thời đề nghị, dự án phải đánh giá được những tác động của môi trường: đất đai, khí hậu, thời tiết. UBND huyện phải tìm hiểu kỹ về năng lực, kinh nghiệm các nhà đầu tư. Rà soát kỹ việc quy hoạch, quản lý đất tại các địa phương, nắm chắc các quan điểm để chỉ đạo, tuyên truyền cho nhân dân, xây dựng khu sản xuất nông nghiệp cao phải gắn với sự phát triển bền vững, lâu dài, đặt hiệu quả kinh tế, lợi ích nhân dân lên hàng đầu, tạo niềm tin trong nhân dân.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó chủ tịch UBND huyện đề nghị: Các nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với các phòng ban, chính quyền địa phương khảo sát lại toàn bộ diện tích đất và phân loại cụ thể; Tổ chức trao đổi, họp dân để tuyên truyền các nội dung của dự án; trong quá trình làm việc cần có hướng giải quyết đối với các doanh nghiệp đang thuê đất khai thác trên địa bàn; Cần nêu rõ công tác giải phóng mặt bằng, đền bù để chính quyền có cơ sở tuyên truyền cụ thể cho nhân dân. Giao các phòng, ban liên quan đôn đốc các địa phương khảo sát, lập kế hoạch sử dụng đất kịp thời bổ sung 6 tháng cuối năm 2021; Làm việc với huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) để có hướng giải quyết vấn đề xâm canh. Xã Tùng Châu và Quang Vĩnh phối hợp phối hợp với nhà đầu tư, các phòng, ban để triển khai thực hiện. Sau khi đảm bảo các thủ tục, huyện Đức Thọ sẽ thống nhất và triển khai các bước tiếp theo của Dự án./.