THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

(Ban hành kèm theo Công văn số: 21/HĐPBGPL ngày 30 tháng 12 năm 2021)

 

I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính xử lý vi phạm hành chính số: 67/2020/QH 14 ngày 13/11/2020.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022

2. Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017).

Theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC. Đây là văn bản quy định các vấn đề chung, liên quan đến thực tiễn xử lý vi phạm hành chính của nhiều bộ, ngành, địa phương. Việc xây dựng Nghị định nhằm quy định chi tiết một số điều, khoản mà Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời, hướng dẫn, quy định cụ thể, đầy đủ các biện pháp để tổ chức thi hành Luật, bảo đảm Luật XLVPHC được tổ chức thi hành hiệu quả trên thực tế, trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).

Theo đó, Nghị định 05 Chương và 43 Điều, cụ thể như sau:

Chương I quy định những vấn đề chung, bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Chương II Nghị định quy định về yêu cầu của việc quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo đó, từ Điều 4 đến Điều 6 dự thảo Nghị định quy định các yêu cầu, nguyên tắc để làm căn cứ quy định về: Hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

Chương III - quy định về việc áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính; nguyên tắc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; giao quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành; lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; hủy bỏ, ban hành mới quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính; đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn thực hiện và nội dung đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính; hiệu lực, thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ, quyết định mới ban hành trong xử phạt vi phạm hành chính; giải trình; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản; hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt; chứng từ thu, nộp tiền phạt và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính; chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đến cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành; xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu; xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành; xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên; biện pháp nhắc nhở; trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính khi thi hành công vụ; xử lý trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chương IV quy định về quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP), được chia thành 02 mục:

(i) Nội dung quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chính; kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; thống kê về xử lý vi phạm hành chính; báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

(ii) Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính .

Chương V quy định về: Kinh phí tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính; hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, đồng thời với ngày có hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.

3. Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn  và việc xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

Đối tượng và thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Đối tượng và thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:

a) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 01 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

c) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này;

d) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này;

đ) Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì thời hiệu là 03 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối hành vi vi phạm này;

e) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này

Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.

Theo Nghị định, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không được áp dụng đối với người nước ngoài.

Điều kiện chuyển sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình

Nghị định quy định, đối tượng quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 5 và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định này được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

b) Gia đình có nguồn thu nhập ổn định; có chỗ ở để người chưa thành niên sống cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; có điều kiện phối hợp với cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc giáo dục, quản lý người chưa thành niên;
            c) Cha, mẹ hoặc người giám hộ có nhân thân tốt, tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý người chưa thành niên tại gia đình; có thời gian để giáo dục, quản lý, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để người chưa thành niên tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

 d) Có bản cam kết của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

4. Thông tư số 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Theo đó, cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, túi nylon khó phân huỷ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.

Thông tư này áp dụng đối với cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý chất thải y tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tư quy định cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế sau: Mua sắm, lắp đặt, sử dụng vật tư, thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên, vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng; đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động chuyên môn y tế và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế; có biện pháp, lộ trình và thực hiện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon khó phân huỷ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
           Nguyên tắc phân loại chất thải y tế

Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tai thời điểm phát sinh;

Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn);

Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.

Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh.

Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn).

Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.

Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm

Thông tư cũng quy định cách phân loại chất thải lây nhiễm. Trong đó, chất thải lây nhiễm sắc nhọn bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng có màu vàng; chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng; chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng; chất thải giải phẫu bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng; chất thải lây nhiễm dạng lỏng chứa trong túi kín hoặc dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín.

Cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế; dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải; chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín.

Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2022.

II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH:

1. Quyết định số 53/2021/QĐ-UBND ngày 07/12/2021 của UBND tỉnh Ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 

2. Quyết định số 54/2021/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 của UBND tỉnh Ban hành quy chế nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 

Trên đây là các văn bản QPPL của Trung ương, của tỉnh có hiệu lực trong tháng 01,02/2022 các Đồng chí cán bộ đảng viên tiếp cận để  phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyên các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách. Để tiếp cận nội dung các văn bản trên đề nghị các đồng chí truy cập vào trang thông tin pháp luật của Bộ Tư pháp: http://www.moj.gov.vn/  và trang Văn bản QPPL của UBND tỉnh: http://qppl.hatinh.gov.vn/ và trang Facebook: Tư Pháp Đức Thọ.

 

 

 

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.436.230
    Trong năm: 1.329.741
    Trong tháng: 102.634
    Trong tuần: 26.189
    Trong ngày: 3.043
    Online: 44