Thời điểm những ngày gần Tết Nguyên đán, không khí ở làng lá dong nổi tiếng - thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ lại rộn ràng, tất bật thu hoạch lá để phục vụ nhu cầu gói bánh chưng tết.
Làng Vĩnh Phúc (xã Quang Vĩnh, Đức Thọ) được xem là "thủ phủ" trồng lá dong của tỉnh Hà Tĩnh.
Được biết đến là vùng trồng nhiều lá dong nhất tỉnh Hà Tĩnh, những ngày cuối năm, nơi đây cả ngày không khí luôn tất bật rộn ràng để thu hoạch lá phục vụ nhu cầu của khách hàng. Thậm chí có những trường hợp người mua còn tìm đến tận nơi, mua hẳn những luống lá để chọn cho ưng ý.
Gia đình chị Lê Thị Thương (thôn Vĩnh Phúc) tận dụng toàn bộ diện tích vườn khoảng trên 500 m2 để trồng dong. Thời gian này, các thương lái đang tập trung đến thu mua số lượng lớn về bán cho các đại lý gói bánh chưng, hoặc bán lại cho các tiểu thương ở chợ. Vậy nên gia đình chị phải huy động nhiều người cùng tham gia cắt lá để kịp giao hàng.
Đến thời điểm này, gia đình chị Thương đã thu hoạch được gần 30 ngàn lá. Chị Thương cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lá dong đẹp, ít sâu. Tuy nhiên, do dịch covid -19 nên giá bán thấp hơn năm ngoái. Giá bán dao động 50.000- 55.000 đồng/100 lá dong, vụ này gia đình tôi thu về trên 15 triệu đồng.
Từ lâu lá dong đã trở thành một phần không thể thiếu để tạo nên hương vị tết cổ truyền. Đối với người dân thôn Vĩnh Phúc, lá dong đã đem đến những cái Tết ấm no, vui tươi hơn. Đặc biệt, bánh chưng được gói bằng lá dong thôn Vĩnh Phúc sau khi nấu chín vẫn có màu xanh đậm, hương thơm của lá dong quyện lẫn mùi thơm của nếp rất đặc trưng, khiến người mua rất ưa chuộng. Được biết, mỗi một sào lá dong đem lại thu nhập cho người dân từ 15-20 triệu đồng.
Làng lá dong ở thôn Vĩnh Phúc vào chính vụ từ khoảng 16/12 (âm lịch). Càng gần tết, không khí thu hoạch lá dong càng trở nên tất bật.
Người dân Vĩnh Phúc cho biết, nghề trồng lá dong ở đây được cha ông truyền lại qua nhiều đời. Hiện tại, địa phương có đến hàng chục hecta đất chỉ dành riêng cho việc trồng lá dong phục vụ Tết Nguyên đán.
Hiện nay, giá bán giao động từ 50.000 đến 55.000 đồng/100 lá, thấp hơn năm ngoài từ 10 đến 15 ngàn đồng.
Cứ đến khoảng giữa tháng 12 âm lịch, người dân trong thôn bắt đầu thu hoạch lá dong để bán cho các cơ sở làm bánh chưng trên địa bàn huyện và nhập cho các tiểu thương trong tỉnh. Đây được xem là “thời điểm vàng” của người trồng cây lá dong.
Gia đình ông Lê Huy Đồng có trên 1000m2 trồng lá dong, dự kiến thu hoạch gần 40 ngàn lá, thu về trên 20 triệu đồng. Cây lá dong không mất quá nhiều công chăm sóc, nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc cho cây ra nhiều mầm, lá xanh, to, đều, đẹp.
Gắn bó với cây lá dong hơn 40 năm nay, ông Lê Huy Đồng (thôn Vĩnh Phúc) cho biết, cây lá dong dễ trồng, ít sâu bệnh, đặc biệt vào vụ tết, người dân có được nguồn thu nhập đáng kể. Năm nay gia đình tôi có trên 1000m2 trồng lá dong, dự kiến thu hoạch gần 40 ngàn lá với gia bán như hiện nay thì gia đình tôi thu về trên 20 triệu đồng.
Cây lá dong có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm. Tuy nhiên, thu hoạch nhiều sẽ khiến cây cho lá nhỏ, không đẹp. Vì vậy, hầu hết các hộ trồng cây lá dong ở thôn Vĩnh Phúc thường chủ yếu thu hoạch là vào dịp tết để giữ được thương hiệu của sản phẩm.
Cây lá dong không chỉ mang hương vị tết đến cho mọi nhà, mà còn giúp người dân thôn Vĩnh Phúc có nguồn thu nhập ổn định mỗi dịp tết đến, xuân về.
Cây lá dong không cần chăm sóc nhiều. Cứ sau mỗi lần cắt lá, người nông dân chỉ làm sạch cỏ rác ở gốc rồi bón một ít phân lân và đạm, cây sẽ lại ra lá mới. Lá dong sau khi cắt được phân loại theo kích cỡ to, trung bình và nhỏ rồi được bó lại mỗi bó 100 lá để bán. Giá bán hiện nay tại vườn từ 50.000 đến 50.000/100 lá.
Ông Hoàng Xuân Quang, thôn trưởng thôn Vĩnh Phúc cho biết: "Toàn thôn Vĩnh Phúc có 150 hộ dân thì có khoảng trên 80 hộ trồng cây lá dong, với diện hơn 10 ha. Hộ trồng ít khoảng 300 m2, hộ nhiều thì đến cả nghìn m2. Bởi vậy, đây được mệnh danh là thủ phủ lá dong của Hà Tĩnh. Với uy tín, chất lượng đã được khẳng định, nguồn thu từ sản phẩm này hằng năm đã góp phần giúp bà con có được cái tết đủ đầy, ấm cúng".
Mỗi dịp tết đến xuân về, trên những mâm cỗ cúng gia tiên mỗi gia đình Việt không thể thiếu những chiếc bánh chưng xanh. Để gìn giữ nét đẹp cổ truyền của dân tộc, có sự góp phần không nhỏ của người dân làng lá dong Vĩnh Phúc.