Sẵn sàng các phương án, kịch bản chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai; Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kịp thời, linh hoạt. Chuẩn bị lực lượng cứu hộ đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ động nhanh, kịp thời ứng cứu.Chỉ đạo điều hành trong phòng chống, ứng phó thiên tai phải sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đó là những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2022.
Chiều ngày 19/5, UBND huyện Đức Thọ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCTT TKCN năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp –PTNT huyện Nghiêm Sỹ Đông chủ trì.
Năm 2021, tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Đức Thọ diễn ra không ác liệt như những năm trước, tuy nhiên do ảnh hưởng hoàn lưu của một số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã gây thiệt hại về kinh tế, dân sinh, cơ sở hạ tầng, ước tính khoảng 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra đây cũng là năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, gây không ít khó khăn trong công tác chỉ huy, điều hành, ứng phó và khắc phục hậu quả của các đợt thiên tai.
Trưởng phòng Nông nghiệp –PTNT huyện Nghiêm Sỹ Đông báo cáo công tác phòng chống thiên tai, TKCN năm 2021, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2022.
Huyện Đức Thọ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các phương án, giải pháp phù hợp, sát với thực tế; công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai được chỉ đạo kịp thời, chủ động từ huyện đến xã, thị trấn; Công tác thông tin, cảnh báo, tuyên truyền được cập nhật thường xuyên, kịp thời đến với địa phương,nhân dân, nhất là những vùng có nguy cơ cao chủ động ứng phó; Thực hiện nghiêm túc kịch bản ứng phó thiên tai, kết hợp Covid-19, không làm lây lan phát sinh dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là trong phương án sơ tán dân. Tổ chức thành công diễn tập Phòng chống lụt bão và TKCN; Huy động lồng ghép các chương trình dự án xây dựng 04 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng tránh bão lũ, xây mới 302 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vẫn còn một số khó khăn, như: Trang thiết bị, công cụ hỗ trợ của các địa phương còn hạn chế, nguồn lực về con người, tài chính dành cho công tác phòng chống thiên tai từ huyện đến xã còn thiếu.Quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng chưa gắn với quy hoạch phòng chống thiên tai. Một số người dân còn chủ quan lơ là, thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được, nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCTT và TKCN năm 2022.
Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh tham gia các ý kiến về công tác rà soát, cập nhật thông tin và chuẩn bị phương án sơ tán dân khi nước lũ sông lên cao trên báo động 2 tại địa phương.
Xã Bùi La Nhân có 60% dân số nằm ngoài đê La Giang, hiện nay các loại phương tiện phòng chống lụt bão còn thiếu và yếu, nhất là thuyền cứu hộ, cứu nạn do vậy cần sự hỗ trợ của cấp trên, Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân kiến nghị
Ông Trần Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc đưa ra các giải pháp, chuẩn bị phương án sơn tán dân vùng nguy cơ cao tại Rú Dầu và bờ sông thôn Phúc Hòa (xã Hòa Lạc).
Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức, kết luận tại Hội nghị.
Theo dự báo tình hình thời tiết, khí hậu năm 2022 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra. Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Anh Đức đề nghị: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo Trung ương, Tỉnh Huyện về PCTT&TKCN; các địa phương, đơn vị, chủ động xây dựng sẵn sàng các phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai; Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kịp thời, linh hoạt; Xác định các trọng điểm xung yếu, xây dựng phương án ứng phó, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Chỉ đạo điều hành trong phòng chống, ứng phó thiên tai phải sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; Rà soát, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; Tăng cường công tác, tập huấn thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác PCTT&TKCN.