Chiến tranh đã qua đi, nhưng vết thương chiến tranh với nhiều gia đình người có công nhất là thương binh vẫn còn hiện hữu. Song với họ, được sống, được chứng kiến ngày đất nước hòa bình là hạnh phúc nên phải sống xứng đáng, nỗ lực thật nhiều để tri ân đồng chí, đồng đội không may mắn được trở về. Nhiều thương binh trên địa bàn huyện đã vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, làm kinh tế giỏi...

Đất nước đã không còn tiếng súng, nhưng với  thương binh 1/4 Nguyễn Đình Hòa, thôn Hạ Tiến, xã An Dũng, thì ký ức về đồng đội, những người cùng chung một thời hoa lửa vẫn còn nguyên vẹn. Với ông đó là khoảng thời gian, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng rất tự hào của tuổi đôi mươi, rèn luyện cho ông ý chí tự lực để vượt qua những khó khăn gian khổ. Năm19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Đình Hòa  tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ Quốc tế ở chiến trường Camfuchia. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương nặng ở đầu. Trở về , nhiều năm liền đảm nhiệm vai trò là chi hội trưởng Hội cựu chiến binh Hạ Tiến, ông luôn gương mẫu đi đầu, tích cực, vận động tuyên truyền hội viên hăng hái tham gia các phong trào thi đua của địa phương . Nay, ở tuổi  gần 70, dẫu mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu, khiến sức khỏe của ông ngày càng yếu, nhưng ông vẫn luôn là ‘người lính”  kiên cường, mạnh mẽ,  yêu đời, sống  có trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Dẫu mảnh đạn năm xưa vẫn còn nằm trong đầu, nhưng Thương binh Nguyễn Đình Hòa vẫn luôn là người lính kiên cường, lạc quan, yêu đời, và là  tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo.

Còn với Thương binh Nguyễn Đình Dung, thôn Thọ Ninh, xã Liên Minh, sau hơn 13 năm chiến đấu ở các chiến trường Miền Nam rồi Biên giới Camfuchia, và  phải  bỏ lại một phần thân thể. Trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 1/4 (81% ), cụt mất một cánh tay phải,  trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn của cuộc sống đời thường, nhưng phẩm chất người lính vẫn luôn ngời sáng. Là một giáo dân, ông luôn “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tuyên truyền vận động con cháu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.  

Thương binh Nguyễn Đình Dung  tâm niệm: “ Dù có khó khăn vất vả đến chừng nào,  tôi vẫn nguyện tiếp tục giữ vững tinh thần chiến đấu với thương tật, mãi mãi giữ vững bản chất “Bộ đội cụ Hồ” để xứng đáng với lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Với Thương binh 4/4, Nhà giáo Nguyễn Anh Thiêm, thôn Quyết Tiến, xã Bùi La Nhân, ông luôn mong muốn được góp sức lực còn lại của mình, thúc đẩy sự học trên vùng quê nghèo. Ông đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, con em xa quê đóng góp, hỗ trợ quỹ khuyến học của xã, của dòng họ, với số tiền hàng trăm triệu đồng, nhằm động viên, khuyến khích, đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, dù hoàn cảnh  còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình ông luôn gương mẫu trong mọi phong trào đóng góp của địa phương, nhất là trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, gia đình đã hăng hái tham gia và đóng góp số tiền 5 triệu đồng để xây dựng đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp. Với những đóng góp của mình, Ông vinh dự là 1 trong 7 đại diện Người có công tiêu biểu của Hà Tĩnh được tham dự Hội nghị gặp mặt Người có công tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022).

Thương binh, Nhà giáo Nguyễn Anh Thiêm luôn mong muốn đóng góp sức lực còn lại của mình để thúc đẩy sự  học trên vùng quê nghèo.

Dù mang trong mình nỗi đau do vết thương chiến tranh để lại, nhưng rời tay súng, Thương binh Phan Văn Vinh, thôn Trẫm Bàng, xã Tân Dân luôn trăn trở, nghĩ cách xây dựng kinh tế trên chính mảnh đất quê hương. Nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp của vùng đất bán sơn địa, ông đã mạnh dạn đầu tư  phát triển kinh tế vườn đồi. Vừa sản xuất, chăn nuôi, vừa tích lũy kinh nghiệm, và áp dụng tiến bộ KHKT, trên diện tích gần 6.000m2 của gia đình ông hiện có hơn 400 gốc bưởi diễn, 100 gốc cam, chanh, các loại rau, củ, quả. Ông còn chăn nuôi hàng trăm con lợn, bò, gà, đưa lại thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Đó cũng chính là thành quả của quá trình rèn luyện ý chí trong quân ngũ, và tình yêu quê hương, nghị lực vươn lên khi về lại đời thường của người lính cụ Hồ.

Thương binh Phan Văn Vinh chia sẻ: “ Mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã phải nằm lại nơi chiến trường, vì vậy với phẩm chất của Người lính cụ Hồ, nghị lực của người chiến sỹ cách mạng tôi luôn trăn trở phải làm sao để mưu sinh và nuôi gia đình trên chính mảnh đất cha ông này. Đến nay, nhờ sự mạnh dạn, nỗ lực của bản thân, sự động viên khích lệ của gia đình, làng xóm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nên gia đình tôi đã ngày càng khấm khá hơn”.

Thương binh Phan Văn Vinh  luôn nêu cao tinh thần kiên cường, dũng cảm, không quản ngại khó khăn gian khổ, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Đó chỉ là 4 trong số hơn 3.900 thương binh, bệnh binh trên địa bàn huyện Đức Thọ sau những cống hiến, hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ Quốc, lại tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính và thực hiện tốt lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”, xứng đáng là  những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường để mọi người trân trọng, học tập và noi theo./.


 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.385.556
    Trong năm: 1.355.383
    Trong tháng: 117.521
    Trong tuần: 17.282
    Trong ngày: 1.360
    Online: 38