Là địa phương thường xuyên xẩy ra thiên tai, trong mùa mưa bão, cấp ủy, chính quyền và các đơn vị trên địa bàn huyện Đức Thọ luôn chủ động các phương án theo phương châm “4 tại chỗ” và linh hoạt ứng biến phù hợp với thực tiễn.
Sáng ngày 30/6, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Việt Hà - Trưởng đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của tỉnh tại huyện Đức Thọ đi kiểm tra một số công trình thủy lợi trên địa bàn.
Cùng đi có Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thành Đồng, Chủ tịch UBND huyện Trần Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức và lãnh đạo phòng NN-PTNT huyện. Trong ảnh: Đoàn công tác kiểm tra việc điều tiết nước tại cống Đức Xá - xã Bùi La Nhân...
Trong tổng số 16 xã, thị trấn của Đức Thọ có 5 xã ngoài đê, 3 xã vùng thượng dễ bị ngập và chia cắt khi có lũ lụt. Toàn huyện có 51 công trình thủy lợi, trong đó có 32 hồ đập, cống điều tiết nước, đặc biệt là 3 tuyến đê trọng điểm (đê La Giang, đê Rú Trí và đê Trường Sơn).
Hiện, các công trình đang đáp ứng công năng tiêu úng, ngăn lũ. Đặc biệt, 3 tuyến đê trọng điểm được địa phương quan tâm nâng cấp nên phục vụ tốt nhiệm vụ điều tiết nước tưới trong sản xuất cũng như tiêu úng trên địa bàn.
Năm 2023, Đức Thọ chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục khi thiên tai xảy ra; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kịp thời, linh hoạt, chủ động; đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm, đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; tổ chức rà soát, tập huấn, xác định những vùng nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở
Đoàn công tác kiểm tra đập Đá Bạc, xã Tân Hương…
… hiện nay đập Đá Bạc là một trong những đập trần dễ xảy ra sự cố nếu có mưa lũ.
Huyện Đức Thọ kiến nghị với đoàn đề xuất UBND tỉnh, các Sở, ngành cấp tỉnh, Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa cấp bách các công trình như: đập Đá Trắng, xã Tân Hương, Kè bờ sông Ngàn Phố, thôn Vĩnh Khánh, xã Trường Sơn, kè bờ sông Ngàn Sâu, thôn Vĩnh Yên, xã Đức Lạng và đập Bãi Sạ, xã Trường Sơn. Hỗ trợ kinh phí mua 5 thuyền và máy phát điện cho các xã ngoài đê và vùng Thượng Đức.
Đâp Bãi Sạ, xã Trường Sơn hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, sản xuất của người dân.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo về công tác triển khai PCTT&TKCN năm 2023 của huyện Đức Thọ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Việt Hà – Trưởng đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của tỉnh tại huyện Đức Thọ đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai trong năm 2022 và công tác xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến thiên tai năm 2023.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Việt Hà đề nghị huyện phải đảm bảo các phương án “4 tại chỗ” trong mùa mưa bão, nhất là chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai một cách chủ động. Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn.
Đối với các xã ngoài đê, phải tiến hành cắm biển cảnh báo đối với những tuyến đường ngập úng, hạn chế việc qua lại của người dân; đối với các xã vùng núi có nguy cơ xẩy ra hiện tượng sạt lở, cần xây dựng kịch bản cho từng vùng, từng địa phương và tổ chức di dời dân trong các trường hợp khẩn cấp…
Phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trước khi mùa mưa lũ đến; quản lý tốt các công trình thủy lợi; phối hợp chặt chẽ với công ty Bắc Hà Tĩnh trong việc vận hành hồ đập khi có mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình; rà soát các vị trị xung yếu, dễ xảy ra sạt lở đất để cảnh báo kịp thời cho người dân.
Trước mắt, huyện Đức Thọ cần khảo sát, đánh giá lại hiện trạng các hồ đập, công trình thủy lợi ở những vị trí xung yếu để có phương án sửa chữa, duy tu trước mùa mưa bão.
Với các kiến nghị của huyện Đức Thọ về tu đầu tư xây dựng, sửa, sửa chữa các công trình, nhất là đập Đá Bạc và đập Bãi Sạ, đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo trình UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét.