Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định chính xác thời điểm sâu non nở rộ, mật độ sâu gây hại nhằm quyết định thời điểm và số diện tích cần xử lý.
Đến ngày 1/8/2023, lúa hè thu giai đoạn đòng già - trổ bông, dự kiến thời gian trổ tập trung từ 10-15/8, theo báo cáo của trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã và kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã ra rộ, mật độ trung bình 1-3 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2, một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện sâu non tuổi 1.
Cụ thể: tại các xã Thạch Văn, Thạch Trị (Thạch Hà), phổ biến trưởng thành, trứng và rải rác sâu non tuổi 1; Phúc Lộc, Vượng Lộc, Tùng Lộc, Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc), Cẩm Hưng, Cẩm Quang, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên), An Dũng, Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy (Đức Thọ), Kỳ Giang, Kỳ Tiến, Kỳ Phú (Kỳ Anh) cao điểm trưởng thành ra rộ và đã xuất hiện trứng; bệnh khô vằn phát sinh gây hại cục bộ trên diện tích gieo cấy dày, bón thừa đạm, diện tích nhiễm 250ha; rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện mật độ 50-100 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2.
Thời tiết bước vào tiết Lập Thu với hình thái nóng ẩm, có mưa rào xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, phát triển và có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất lúa hè thu. Dự báo sâu non sâu cuốn lá lứa 3 nở rộ từ thời điểm 5/8/2023 trở đi, gây hại trên bộ lá công năng giai đoạn lúa đòng già - trổ bông, đặc biệt lưu ý trên các diện tích trổ muộn; bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh; bệnh bạc lá có khả năng phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết có dông, lốc, mưa lớn. Để chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, bảo vệ an toàn lúa hè thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật như sau:
Đối với sâu cuốn lá, cần kiểm tra, giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để xác định chính xác thời điểm sâu non nở rộ, mật độ sâu gây hại để quyết định thời điểm và những diện tích cần tập trung xử lý, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Clever 150SC, Opulent 150SC, Obaone 95WG, Virtako 40WG, Tasieu 1.9EC, Voliam Targo 063SC, Angun 5WG...
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, trước mắt, tập trung xử lý triệt để các ổ rầy để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên đồng ruộng. Đồng thời thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, chú trọng vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại. Khi phát hiện tổ chức khoanh vùng, hướng dẫn bà con nông dân phun trừ kịp thời khi rầy tuổi 1, tuổi 2 sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Chess 50WG, Sutin 5EC, Dantotsu 50WG, Ba Đăng 300WP, Cyo Super 25WP…
Đối với bệnh bạc lá, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phun phòng bệnh bạc lá trên diện tích gieo cấy các giống lúa nhiễm bệnh như: Thái Xuyên 111, TH3-3, KD18, nhóm nếp... và những diện tích hàng năm bệnh phát sinh gây hại, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Starner 20WP, Kamsu 2SL, Xantocin 40WP…
Với bệnh khô vằn, tập trung điều tra phát hiện và hướng dẫn phun phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Vida5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Nevo 330EC, Tilt Super 300ND…
Lưu ý, để nâng cao hiệu lực phòng trừ của thuốc hóa học, khi sử dụng thuốc cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”; điều tiết, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng - trổ bông.