1. Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng. Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. 

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Cụ thể, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.
Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.
Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Trường hợp mức trợ cấp một lần tính theo thâm niên thì sau khi đã tính tròn số năm tham gia kháng chiến mà còn có tháng lẻ thì số tháng lẻ được tính tròn số theo nguyên tắc: từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 01 năm, dưới 06 tháng được tính là 06 tháng.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng bắt đầu hoạt động kháng chiến thì được tính từ ngày 01 tháng 7 của năm đó.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023.

2. Thông tư số 15/2023/TT-BYT  của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Thông tư này quy định mức giá tối đa của một số đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn do ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm y tế chi trả và chi phí phục vụ cho việc định giá của một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Thông tư nêu rõ, đơn vị máu đạt tiêu chuẩn khi được lấy, bảo quản trong túi chất dẻo có sẵn chất chống đông và đã được làm đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc bắt buộc theo quy định.

Theo Thông tư, máu toàn phần 30 ml có giá tối đa là 111.000 đồng; mức giá tối đa 894.000 đồng được áp dụng đối với máu toàn phần 450 ml. Chế phẩm hồng cầu được quy định giá tối đa 116.000 đồng cho khối hồng cầu từ 30 ml máu toàn phần; 874.000 đồng cho khối hồng cầu từ 450 ml máu toàn phần. Chế phẩm huyết tương tươi đông lạnh 30 ml có giá tối đa 66.000 đồng; huyết tương tươi đông lạnh 250 ml có giá tối đa 363.000 đồng. Chế phẩm huyết tương đông lạnh 30 ml có giá tối đa 56.000 đồng; huyết tương đông lạnh 250 ml có giá tối đa 283.000 đồng. Chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu 100 ml từ 250 ml máu toàn phần có giá tối đa 219.000 đồng; huyết tương giàu tiểu cầu 150 ml từ 350 ml máu toàn phần có giá tối đa 243.000 đồng; huyết tương giàu tiểu cầu 200 ml từ 450 ml máu toàn phần có giá tối đa 268.000 đồng. Chế phẩm khối tiểu cầu 1 đơn vị (từ 250 ml máu toàn phần) có giá tối đa 145.000 đồng; khối tiểu cầu 4 đơn vị (từ 1.000 ml máu toàn phần) có giá tối đa 578.000 đồng…
Ngoài ra, thông tư cũng quy định mức chi phí phục vụ cho việc xác định giá của một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, mức chi bình quân tối đa hỗ trợ cho các đơn vị, cơ sở tuyên truyền, vận động, tổ chức ngày hiến máu tình nguyện là 50.000 đồng/người hiến máu.

Nội dung chi hỗ trợ, mức chi hỗ trợ cụ thể và sử dụng khoản kinh phí này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 182/2009/TT-BTC ngày 14 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện.

Mức chi bình quân tối đa đối với ăn uống tại chỗ cho người hiến máu (cả người hiến máu tình nguyện không lấy tiền và người hiến máu lấy tiền): 30.000 đồng/người/lần hiến máu. Các cơ sở cung cấp máu có trách nhiệm tổ chức chu đáo, công khai để người hiến máu được ăn uống tại chỗ trước và sau khi hiến máu.

Bên cạnh đó, đối với người hiến máu lấy tiền, nếu hiến máu toàn phần, mức chi tiền trực tiếp như sau: Một đơn vị máu có thể tích 250 ml: 195.000 đồng; một đơn vị máu có thể tích 350 ml: 320.000 đồng; một đơn vị máu có thể tích 450 ml: 430.000 đồng. Nếu hiến gạn tách các thành phần máu, mức chi tiền trực tiếp như sau: Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml: 400.000 đồng; một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml: 600.000 đồng; một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml: 700.000 đồng.
Đối với người tình nguyện không lấy tiền, mức chi cụ thể như sau:
Người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau: Một đơn vị máu thể tích 250 ml tương ứng 100.000 đồng; Một đơn vị máu thể tích 350 ml tương ứng 150.000 đồng; Một đơn vị máu thể tích 450 ml tương ứng 180.000 đồng.

Người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau: Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml tương ứng 150.000 đồng; Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml tương ứng 200.000 đồng; Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml tương ứng 250.000 đồng.

Chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện với mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.

Về chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn bảo đảm nguyên tắc:

Tổng mức giá của các dịch vụ phải tương đương với mức chi quà tặng. Trường hợp tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn thấp hơn mức chi quà tặng thì đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm chi bổ sung quà tặng bằng hiện vật bảo đảm đủ mức chi quà tặng theo quy định.

Trường hợp tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn cao hơn mức chi quà tặng: Đơn vị tiếp nhận máu được thu thêm phần chênh lệch giữa tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn với mức chi quà tặng được nhận đồng thời có trách nhiệm giải thích công khai để người hiến máu hiểu và thực hiện; Trường hợp phần chi phí vượt của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn không quá 10% mức chi quà tặng được nhận thì thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có thể quyết định sử dụng nguồn thu từ hoạt động cung cấp máu, chế phẩm máu để chi và quyết toán theo thẩm quyền.

Mức giá của các dịch vụ trong gói quà tặng thực hiện theo quy định được cấp có thẩm quyền áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2023.
Thông tư số 17/2020/TT-BYT ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Nghị định số 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Bổ sung nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Ngoài 4 nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, Nghị định 48/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

c) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức viên chức.

Lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức điện tử

Theo Nghị định 48/2023/NĐ-CP, tài liệu kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được lưu giữ bằng hình thức điện tử, bao gồm: Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá; phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; nhận xét của cấp ủy nơi công tác (nếu có); kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền; hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có); các văn bản khác liên quan (nếu có).
Nghị định nêu rõ, ngoài việc lưu giữ bằng hình thức điện tử, Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền còn được lưu bằng văn bản trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.

Ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình

Nghị định 48/2023/NĐ-CP nêu rõ, căn cứ quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức về đánh giá, xếp loại chất lượng, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Nội dung Quy chế phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có); căn cứ để xác định tỉ lệ % mức độ hoàn thành công việc; các tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định này.

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu và không trái với nguyên tắc đánh giá, xếp loại cán bộ của cấp có thẩm quyền.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2023.

Không xem xét lại đối với những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày Nghị định này có hiệu lực. Trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó để thực hiện.

4. Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch.

Nghị định số 58/2023/NĐ-CP bổ sung quy định về nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch như sau:

1. Nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm kinh phí, kết quả nghiên cứu của cơ quan, tổ chức, chuyên gia (kể cả chuyên gia tình nguyện), tài trợ giải thưởng cho tổ chức, cá nhân có ý tưởng quy hoạch được lựa chọn trên cơ sở kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch do cơ quan lập quy hoạch tổ chức (nếu có); đầu vào để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo và được tiếp nhận, quản lý, sử dụng như sau:

- Nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

- Nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch bằng kinh phí của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước được tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch bằng hình thức kết quả nghiên cứu của cơ quan, tổ chức, chuyên gia; tài trợ giải thưởng cho tổ chức, cá nhân có ý tưởng quy hoạch được lựa chọn trên cơ sở kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch do cơ quan lập quy hoạch tổ chức (nếu có); đầu vào để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo được tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

2. Nguyên tắc hỗ trợ và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài: Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; đúng mục tiêu, mục đích; tiết kiệm, hiệu quả; Tự nguyện; vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội, không vụ lợi; Không tiếp nhận hỗ trợ nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài cho việc xây dựng và thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng nguồn lực hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

5. Nội dung quy hoạch và việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài phải phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

6. Nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài được tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.

Về quy trình lập quy hoạch ngành quốc gia, Nghị định quy định như sau:

1- Quy hoạch ngành quốc gia được lập theo quy trình quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Quy hoạch.

2- Đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch ngành quốc gia thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường. Cơ quan lập quy hoạch chịu trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản đồng thời với việc lấy ý kiến về quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trả lời bằng văn bản bao gồm nội dung về quy hoạch và nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch.

3- Cơ quan lập quy hoạch ngành quốc gia lựa chọn tổ chức tư vấn đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Về quy trình lập quy hoạch vùng:

1. Quy hoạch vùng được lập theo quy trình quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Quy hoạch.

2. Thẩm định hợp phần quy hoạch vùng:

3.  Cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định hợp phần quy hoạch. Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết theo đa số để thông qua hợp phần quy hoạch. Thành phần và quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định do cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch quyết định;

- Nội dung thẩm định hợp phần quy hoạch bao gồm sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch, sự phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định của pháp luật khác có liên quan;

- Báo cáo thẩm định hợp phần quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng thẩm định hợp phần quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch tại điểm b khoản này và kết luận về việc hợp phần quy hoạch đã đủ kiện hoặc chưa đủ điều kiện để gửi cơ quan lập quy hoạch vùng và được gửi tới cơ quan lập hợp phần quy hoạch để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hợp phần quy hoạch;

- Cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch có trách nhiệm gửi cơ quan lập quy hoạch vùng báo cáo thẩm định và báo cáo hợp phần quy hoạch đã được tiếp thu và hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định hợp phần quy hoạch.

3- Đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch vùng thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường. Cơ quan lập quy hoạch chịu trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản đồng thời với việc lấy ý kiến về quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trả lời bằng văn bản bao gồm nội dung về quy hoạch và nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch.

4- Cơ quan lập quy hoạch vùng lựa chọn tổ chức tư vấn đánh giá môi trường chiến lược.

Về quy trình lập quy hoạch tỉnh:

1- Quy hoạch tỉnh được lập theo quy trình quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch.

2- Đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch tỉnh thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường. Cơ quan lập quy hoạch chịu trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản đồng thời với việc lấy ý kiến về quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trả lời bằng văn bản bao gồm nội dung về quy hoạch và nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch.

3- Cơ quan lập quy hoạch tỉnh lựa chọn tổ chức tư vấn đánh giá môi trường chiến lược.

Về thời hạn lập quy hoạch, Nghị định sửa đổi như sau:

Thời hạn lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng không quá 36 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, trong đó thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 20 tháng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng.

Thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.

Trường hợp cần gia hạn thời gian lập quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch quyết định điều chỉnh kéo dài nhưng tối đa không quá 12 tháng trên cơ sở báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BTNMT hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường.

Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương, gồm: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường; các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường và các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
          Danh mục vị trí việc làm

Thông tư nêu rõ Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 33 vị trí: Chuyên viên cao cấp về địa chất; chuyên viên chính về địa chất; chuyên viên về địa chất; chuyên viên cao cấp về khoáng sản; chuyên viên chính về khoáng sản; chuyên viên về khoáng sản; chuyên viên cao cấp về đo đạc và bản đồ; chuyên viên chính về đo đạc và bản đồ; chuyên viên về đo đạc và bản đồ; chuyên viên cao cấp về quản lý đất đai…

Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 20 vị trí: Chuyên viên chính về khoáng sản; chuyên viên về khoáng sản; chuyên viên chính về đo đạc và bản đồ; chuyên viên về đo đạc và bản đồ; chuyên viên chính về quản lý đất đai; chuyên viên về quản lý đất đai; chuyên viên chính về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chuyên viên về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 08 vị trí: Chuyên viên về khoáng sản; chuyên viên về đo đạc và bản đồ; chuyên viên về quản lý đất đai; chuyên viên về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chuyên viên về môi trường; chuyên viên về biến đổi khí hậu; chuyên viên quản lý tổng hợp về biển đảo và chuyên viên về tài nguyên nước.
Đối với công chức hiện đang giữ ngạch công chức cao hơn so với ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này thì được bảo lưu ngạch công chức hiện giữ cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.

 Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 18/9/2023.

          6. Thông tư số 52/2023/TT-BTC ngày 08/8/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.

Thông tư này hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên để thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây viết tắt là DNNVV) theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (sau đây gọi là Nghị định số 80/2021/NĐ-CP), cụ thể: 

1- Hỗ trợ công nghệ cho DNNVV tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 11; hỗ trợ tư vấn cho DNNVV tại Điều 13; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tại Điều 22; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị tại Điều 25; 

2- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV tại Điều 14.

3- Hỗ trợ thông tin cho DNNVV tại Điều 12: kinh phí nâng cấp, duy trì, quản lý, vận hành Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV (sau đây gọi là Cổng thông tin) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu hỗ trợ DNNVV.

4- Kinh phí quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo điểm b khoản 2 Điều 28.

Thông tư áp dụng đối với: Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về tiêu chí xác định DNNVV; Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; Bên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; Lao động đang làm việc trong DNNVV; cơ sở đào tạo nghề nghiệp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV.

Về kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV quy định tại Thông tư này bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách (sau đây gọi là kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV); Nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là nguồn đóng góp, tài trợ).
Nguyên tắc quản lý và sử dụng kinh phí:

1- Đối với nguồn ngân sách nhà nước: Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV được thực hiện thông qua dự toán ngân sách nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV. Quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, nội dung chi, định mức chi, mức hỗ trợ và nguyên tắc thực hiện hỗ trợ quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan; Việc hỗ trợ căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kỳ của ngân sách nhà nước hằng năm.

2- Đối với nguồn đóng góp, tài trợ: việc huy động, quản lý, thanh quyết toán kinh phí phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp có thỏa thuận với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc sử dụng khoản đóng góp, tài trợ chi trả cho phần ngân sách nhà nước hỗ trợ thì thực hiện theo đúng thỏa thuận.

3- Nguyên tắc xác định chi phí: Đối với nội dung chi có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức tại các văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền ban hành: xác định chi phí theo đúng chế độ quy định; Đối với nội dung chi chưa có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức: xác định chi phí căn cứ trường hợp cụ thể, tính chất, phạm vi và các yếu tố liên quan, có tham khảo chi phí tương tự đã thực hiện trong thời hạn 12 tháng (nếu có) tính đến thời điểm xác định chi phí.

4- Các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này; tính hợp lý, hợp lệ, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí; tính trung thực, chính xác, minh bạch, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan; thu, chi, hạch toán, quyết toán và lưu trữ hồ sơ theo đúng chế độ quy định.

Thông tư quy định cách xác định chi phí đào tạo về quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

- Thù lao giảng viên giảng dạy, thù lao báo cáo viên tham gia giảng dạy tại lớp học hoặc trình bày tại buổi thực tế: xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi là Thông tư số 36/2018/TT-BTC).

- Chi phí ăn, ở, đi lại của giảng viên, báo cáo viên, cán bộ tổ chức lớp; giải khát giữa giờ: xác định theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

- Chi phí ra đề thi, coi thi, chấm thi: xác định theo quy định tại khoản 4, điểm c khoản 8, khoản 10 Điều 8 Thông tư số 69/2021/TT-BTC ngày 11 tháng 8 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông.

- Chi phí tài liệu giảng dạy, tài liệu học tập bản điện tử: xác định theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

- Chi phí làm thêm giờ; xác định theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (sau đây gọi là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Các khoản chi phí theo thực tế (khảo sát, chiêu sinh; in ấn, photo, mua tài liệu học tập; thuê hội trường, phòng học, máy tính, máy chiếu, các thiết bị phục vụ học tập; mua, thuê đường truyền, công cụ, thiết bị đặc thù và thù lao nhân viên hỗ trợ kỹ thuật cho đào tạo trực tuyến; văn phòng phẩm; khai giảng, bế giảng; chi phí cho học viên thực hành; cấp chứng nhận cho học viên; điện, nước, vệ sinh, trông giữ xe, quay phim, chụp và lưu trữ ảnh tư liệu; thông tin liên lạc của cán bộ tổ chức lớp): xác định theo nguyên tắc tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Trường hợp khoản chi liên quan đến nhiều khóa đào tạo (khảo sát, chiêu sinh, thông tin liên lạc; mua, thuê gói dịch vụ đường truyền, công cụ và thiết bị đặc thù theo thời gian cho đào tạo trực tuyến) thì phải thực hiện phân bổ chi phí cho từng khóa, theo tiêu chí phân bổ do đơn vị đào tạo xác định đảm bảo tính hợp lý của khoản chi.

- Chi hoạt động quản lý trực tiếp một khoá đào tạo của đơn vị đào tạo theo mức quy định tại điểm m khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC, được sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC (sau đây gọi là Thông tư số 06/2023/TT-BTC).

Xác định kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:

- Các cơ quan, đơn vị căn cứ tỷ lệ, định mức hỗ trợ đối với mỗi khóa đào tạo quy định tại Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (trong đó hỗ trợ tối đa 100% chi phí tổ chức khóa đào tạo trực tuyến qua công cụ dạy học trực tuyến có sẵn) và tổng chi phí một khóa đào tạo (xác định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này) để tính kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức khóa đào tạo.

- Học viên được hỗ trợ học phí theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ xác định căn cứ mức hỗ trợ học phí cho 01 học viên và số học viên thuộc đối tượng được hỗ trợ học phí.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2023. Bãi bỏ Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV và Thông tư số 54/2019/TT-BTC ngày 21 tháng 8 năm 2019 hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV đã được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 49/2019/TT-BTC và Thông tư số 54/2019/TT-BTC trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa sử dụng thì được tiếp tục thực hiện theo dự toán đã phê duyệt; hoặc điều chỉnh lại theo nội dung và định mức chi quy định tại Thông tư này nhưng phải đảm bảo không vượt quá dự toán ngân sách đã giao. Khi các văn bản quy định dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo văn bản mới.

7. Thông tư số 08/2023/TT-BTTTT  của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

Thông tư này hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật và các tổ chức, cá nhân có liên quan và không áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông được áp dụng quy định tại Thông tư này.

Danh mục, bản mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Thông tin và Truyền thông

thực hiện theo Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này.

Danh mục, bản mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện theo Phụ lục III Thông tư này.

Việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị định số 106/2020/NĐ-CP). Cụ thể, việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phải bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỉ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập; được xác định dựa trên ba căn cứ: Danh mục vị trí việc làm; mức độ phức tạp của công việc của vị trí việc làm; tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm.
Đối với viên chức lãnh đạo, quản lý hiện đang hưởng lương theo ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục thực hiện cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.

Đối với viên chức hiện đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cao hơn so với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được giữ hạng chức danh nghề nghiệp và bậc lương hiện giữ cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2023.

8 . Thông tư số 11/2023/TT-BNV Ngày 01/8/2023 của Bộ Nội vụ đã ban hành hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc.

Theo đó, đối tượng áp dụng theo Thông tư gồm cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường (sau đây gọi là cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc).
Thông tư quy định điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng như sau:

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng như sau:

Tăng thêm 12,5% mức trợ cấp hằng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 tính theo công thức sau: Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6 năm 2023 x 1,125. (Trong đó: Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6 năm 2023 là mức trợ cấp quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 02/2022/TT-BNV ngày 29 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng).

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, sau khi điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này mà có mức trợ cấp được hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:

Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng;

Tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này, cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được hưởng mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 (đã làm tròn số) như sau:

Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 3.000.000 đồng/tháng;
Đối với các chức danh còn lại: 2.817.000 đồng/tháng.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc chi trả trợ cấp hằng tháng từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 theo hướng dẫn tại Thông tư này đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2023. Chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Thông tư này thay thế Thông tư số 02/2022/TT-BNV ngày 29 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.280.946
    Trong năm: 1.339.248
    Trong tháng: 180.730
    Trong tuần: 48.467
    Trong ngày: 1.548
    Online: 60