Anh Trần Hữu Nghi ở thôn Long Sơn, xã Tân Dân, là một Cựu quân nhân, đã thành công trong khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng vùng bán sơn địa, phát triển mô hình đa cây, đa con. Hiện gia đình anh là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở thôn Long Sơn, xã Tân Dân.
Mô hình đa cây đa con của gia đình anh Trần Hữu Nghi, thôn Long Sơn, xã Tân Dân
Anh Trần Hữu Nghi sinh năm 1968. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1996, anh trở về địa phương, rồi lập gia đình. Anh đã từng làm qua nhiều nghề để phát triển kinh tế gia đình, nhưng việc làm và thu nhập không ổn định. Trong khi đó, mảnh vườn của gia đình rộng hơn 2000m2 thì bỏ hoang. Năm 2000, anh quyết định đầu tư, quy hoạch để trồng chanh. Được khoảng 5 năm khai thác, anh Nghi nhận thấy thu nhập từ trồng chanh cũng chỉ đủ ăn, không thể làm giàu được. Vì vậy một lần nữa, anh Nghi quyết định cải tạo, quy hoạch lại vườn, đồng thời đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác vào trồng thay thế. Trong đó chủ yếu là mít thái, na, bưởi...Cùng với đó là phát triển chăn nuôi, trong đó chủ lực là lợn, chim bồ câu, gà, ong lấy mật...Điểm nổi bật ở mô hình đa cây đa con của anh Nghi so với những mô hình khác là mặc dù vườn rộng, trồng cây kết hợp chăn nuôi, nhưng được anh quy hoạch rất bài bản.
Anh Nghi chia sẻ: Trong khu vực trồng mít, tôi nuôi xen ong lấy mật. Tác dụng của việc nuôi ong dưới tán mít sẽ giảm được chi phí đầu tư, lại giúp điều hòa không khí, làm mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tạo môi trường thuận lợi cho ong sinh trưởng tốt.
Trong vườn mít của anh Nghi hiện có 40 đàn ong lấy mật
Khu vực chăn nuôi lợn được khép kín, chuồng trại thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ.
Anh giành diện tích không gian trước mặt nhà khoảng 100 m2 trồng các loại cây ăn quả khác như na, bưởi, kết hợp các loại hoa, cây cảnh. Các đường đi, lối lại trong vườn đều được ghép gạch xi măng, được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, hệ thống tiêu thoát nước, bể lắng lọc nước thải, trước khi thải ra môi trường.
Hiện nay, trong vườn của gia đình anh Nghi có 50 gốc mít thái, mỗi năm cho thu hoạch hàng tấn quả, đưa lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Trong chuồng thường xuyên duy trì 150 cặp chim bồ câu sinh sản, cứ 45 ngày, gia đình anh lại có 150 cặp chim bồ câu bán, thu về hơn 10 triệu đồng; 30 con lợn thịt, mỗi năm xuất bán 3 lứa, với tổng trọng lượng khoảng 9 tấn, thu về hơn 500 triệu đồng; 20 đàn ong, mỗi năm khai thác được 100 lít mật, cho giá trị 25 triệu đồng; Tổng thu nhập của gia đình anh Nghi mỗi năm, trừ chi phí cho lãi khoảng 300 triệu đồng.
Trong chuồng thường xuyên duy trì 150 cặp chim bồ câu sinh sản, cứ 45 ngày, gia đình anh lại có 150 cặp chim bồ câu bán, thu về hơn 10 triệu đồng;
Anh Trần Hữu Số, cán bộ thú y kiêm khuyến nông xã Tân Dân nói: Là Cựu quân nhân mạnh dạn trong phát triển kinh tế, anh Nghi còn là hội viên nông dân có đam mê sản xuất nông nghiệp sạch. Vì vậy, để có được mô hình đa cây, đa con phát triển như ngày hôm nay, bản thân anh đã bỏ rất nhiều công sức để cải tạo, quy hoạch, đồng thời tự tìm tòi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường. Từ đó đã biến mảnh vườn đầy sỏi đá, thành khu vườn màu mỡ, không gian trong lành, xanh, sạch, đẹp.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình, anh Trần Hữu Nghi còn là người tiên phong trong các phong trào, hoạt động của thôn. Đi đầu trong hiến đất, tham gia ngày công làm đường GTNT, mở dịch vụ cung cấp phân bón trả chậm, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân trong thôn phát triển sản xuất. Gia đình anh Nghi nhiều năm liên tục được biểu dương gia đình văn hóa xuất sắc./.