Ngay từ những ngày đầu năm mới, bà con nông dân các xã ngoài đê huyện Đức Thọ đồng loạt ra đồng, gieo trỉa ngô vụ Xuân năm 2024.

Trên các cánh đồng ở xã Tùng Châu, không khí sản xuất ngô vụ xuân của bà con nông dân đã nhộn nhịp từ nhiều ngày nay.

Gia đình chị Trần Thị Xuân, thôn Thịnh Kim năm nay gieo trỉa 10 sào ngô vụ xuân, tăng hơn 4 sào so với vụ xuân 2023. Chị Xuân cho hay: Năm 2023, do thời tiết trong vụ đông mưa nhiều nên không sản xuất được, vì vậy mà vụ xuân này, gia đình tôi đã tăng thêm diện tích gieo trỉa ngô. Để nâng cao giá trị kinh tế, thay vì sản xuất giống ngô lai phục vụ chăn nuôi như mọi năm, tôi đưa vào sản xuất giống ngô nếp ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao. Theo tính toán sơ bộ, mỗi sào ngô nếp cho năng suất hơn 1,5 tạ ngô hạt, bán được 2,7 triệu đồng.

Theo kế hoạch vụ xuân 2024, xã Tùng Châu gieo trỉa gần 80 ha ngô, tăng hơn 20 ha so với vụ xuân 2023. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Chủ tịch UBND xã Tùng Châu cho biết: " Nguyên nhân diện ngô tăng, là do hầu hết bà con nông dân giảm diện tích gieo trỉa lạc. Chi phí đầu vào sản xuất lạc cao hơn, trong khi đó thị trường tiêu thụ lại khó khăn. Giống ngô địa phương cơ cấu là ngô nếp trắng HN 68, HN 88 ngắn ngày. Đến thời điểm này, xã đã đôn đốc bà con gieo trỉa được khoảng 25% diện tích, phấn đấu hoàn thành trước 10/2.

         

Cùng với nông dân xã Tùng Châu, trên các cánh đồng ở xã Trường Sơn, bà con nông dân cũng đang tất bật làm đất, xuống giống ngô vụ xuân.

Để đảm bảo gieo trỉa hết diện tích và đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch, UBND xã Trường Sơn đã chỉ đạo các HTX sản xuất nông nghiệp đôn đốc bà con nông dân tranh thủ tối đa thời gian, tập trung làm đất, gieo trỉa ngô vụ xuân đảm bảo lịch thời vụ. Ông Lê Đình Tài - Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết thêm: Năm nay xã chỉ đạo khép kín hơn 85 ha ngô vụ xuân trước ngày 10/02. Thuận lợi của năm nay là đã có hơn 20 ha sản xuất trên diện tích ruộng đã được tích tụ, chuyển đổi thành cánh đồng lớn.

Vụ xuân 2024, toàn huyện Đức Thọ có kế hoạch gieo trỉa trên 1000 ha ngô. Chủ yếu tập trung ở các xã vùng ngoài đê, vùng thượng. Để nâng cao năng suất, sản lượng, huyện chỉ đạo cơ cấu các giống ngô có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao như: ngô nếp trắng HN 68, HN 88, ngô lai CP 511, CP 512, NK7328, P4311... Bà Phan Thị Huyền - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm KHKT - bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cho biết thêm: Ngành chuyên môn cũng đã cử cán bộ về tận đồng ruộng các địa phương, hướng dẫn bà con nông dân về quy trình kỹ thuật trong làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, để cây ngô sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt trong khoảng 12 - 15 ngày đầu mới gieo trỉa, khi ngô đã lên được khoảng 3 - 4 lá bà con cần xới xáo, phá váng, bón thúc đợt 1, với lượng phân đạm khoảng 6 - 7 kg/sà, để cây phát triển tốt và chống chọi được với các bệnh như: xoắn lùn, lùn sọc đen lá và các loại sâu ăn lá khác.

Xác định ngô là một trong những cây trồng chủ lực, trong các loại cây lương thực, các địa phương ở Đức Thọ đã vận động bà con tận dụng hết diện tích đất cao táo để gieo trồng ngô; tích cực chuyển đổi, tích tụ ruộng manh mún thành cánh đồng lớn, nhằm tạo thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.269.546
    Trong năm: 1.329.287
    Trong tháng: 177.356
    Trong tuần: 44.893
    Trong ngày: 1.942
    Online: 50