Về làng Khóong (nay là Tổ dân phố Hùng Dũng, thị trấn Đức Thọ), những ngày cuối năm, hương vị Tết lan tỏa tới từng ngõ xóm. Các hộ gia đình làm nghề gói bánh chưng truyền thống lại tất bật, hối hả với gạo nếp, lá dong, đỗ xanh,... sản xuất hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày để phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán. Mùi hương vị bánh chưng tỏa ra từ các nếp nhà báo hiệu tết đã về!
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, là một trong những hộ có truyền thống làm nghề bánh chưng lâu đời ở làng Khóong. Bình thường, cơ sở sản xuất từ 150-200 chiếc bánh chưng mỗi ngày, nhưng bắt đầu từ ngày 20 đến ngày 29 tháng chạp, cơ sở đã tăng số lượng lên gấp 2, gấp 3 lần ngày thường.
Chị Hà và con gái đang khẩn trương gói bánh chưng để kịp giao cho khách hàng chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo.
Với trên 40 năm kinh nghiệm trong nghề làm bánh chưng, chị Hà cho biết:“ Để làm một chiếc bánh chưng ngon, người làm phải tính toán lượng gạo, đậu, thịt cho cân đối. Đơn hàng dù nhiều hay ít vẫn phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, quy trình của từng chiếc bánh vẫn phải được thực hiện đầy đủ, đặc biệt là ở khâu chọn và chuẩn bị nguyên liệu, phải luôn giữ gìn thương hiệu, chữ tín hàng đầu.”.
Ngay từ những ngày đầu tháng 12 âm lịch, các gia đình đã chọn, sắp xếp lá dong chuẩn bị để làm bánh chưng ngày tết.
Dịp tết Nguyên đán này, dự kiến làng nghề bánh chưng Đức Thọ sẽ cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 150.000 cái. Với giá bán từ 25 - 50.000 đồng mỗi cái tùy loại. Vì vậy, trước đó, các cơ sở sản xuất phải chuẩn bị số lượng lớn nguyên liệu như lá dong, gạo nếp, đậu xanh. Hầu hết, các hộ sản xuất đều sử dụng nồi điện để luộc bánh, vừa thuận tiện, vừa không gây ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn giữ được hương vị riêng của bánh, được khách hàng tin dùng.
“Bánh có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, có độ dẻo ngọt của nếp, vị thơm của đậu xanh, béo ngậy của thịt lợn, thơm thơm của mùi hạt tiêu,... tất cả hòa quyện trở thành một món ăn vừa thơm ngon, vừa chất lượng”.
"Nhịp sống hiện đại, công việc bận rộn hơn nên nhiều gia đình không có thời gian để gói bánh chưng nữa, chúng tôi những người làm nghề càng trân quý hơn công việc của mình khi giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống” Chị Nguyễn Thị Hảo, Chủ cơ sở sản xuất bánh chưng xanh Hảo Trạch - Sản phẩm OCop 3 sao chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Loan, người giàu kinh nghiệm với trên 30 năm làm nghề gói bánh chưng cho biết: “Tôi có thể gói 100 chiếc bánh/tiếng, gói bằng tay sẽ có độ chắc, đều hơn là sử dụng khuôn bánh. Mỗi chiếc bánh được gói như một lời chúc mừng năm mới bình an hạnh phúc mà những người làm nghề truyền thống ở làng Khoong muốn gửi đến mọi người mọi nhà.
Tết xưa hay tết nay, thì bánh chưng vẫn không thể thiếu trong mâm cỗ. Đó là nét văn hóa mà mỗi người Việt khi thấy bánh chưng là đã thấy tết về.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư chi bộ TDP Hùng Dũng cho biết: “Tổ dân phố Hùng Dũng là nơi có nhiều hộ làm bánh chưng nhất nhiều nhất huyện, với trên 20 hộ. Nghề làm bánh chưng đã tạo công ăn việc làm, mang lại kinh tế ổn định góp phần nâng cao đời sống, người dân ở đây luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm vừa chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, Bánh Chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của người Việt Nam và hương vị đặc trưng của bánh chưng Đức Thọ gói trọn vị quê hương, đã góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống trong dịp tết.