Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là giải pháp đã và đang được huyện Đức Thọ phối hợp triển khai thực hiện, với quyết tâm hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, vừa mang lại giá trị kinh tế vừa đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng
Đức Thọ là huyện thuần nông với hơn 11.000ha đất nông nghiệp. Nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn được xem là nhiệm vụ hàng đầu của toàn bộ hệ thống chính trị trên quê hương cách mạng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX đã đề ra 36 chỉ tiêu và xác định 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó có các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, Đức Thọ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo, các cơ chế chính sách và triển khai thực hiện các nội dung về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, triển khai thực hiện đề án OCOP...
Đoàn công tác huyện Đức Thọ tham quan và làm việc với Tập đoàn Quế Lâm ( tại Thừa Thiên Huế).
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho hay: “Xác định nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi tất yếu nhưng sản xuất nông nghiệp của Đức Thọ còn gặp một số khó khăn như thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, thiếu tính liên kết bền vững; việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất đã hình thành tuy nhiên còn ít và quy mô chưa lớn. Hoạt động của các HTX nông nghiệp chưa hiệu quả... Chính vì vậy, việc hợp tác với những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm - doanh nghiệp hàng đầu về kinh tế tuần hoàn chính là cơ hội để nông nghiệp Đức Thọ có thể thực hiện được nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững”.
Tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước khi ký kết hợp tác, huyện Đức Thọ đã lập 2 đoàn công tác với 80 người là cán bộ cấp huyện, cấp xã và các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện tham quan học tập tại Tập đoàn Quế Lâm. Cử 22 học viên, gồm 5 cán bộ huyện và 19 hộ chăn nuôi, HTX sản xuất lúa tham gia tập huấn chuyên sâu quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trên cơ sở đó Tập đoàn Quế Lâm cũng đã đồng hành và ký hợp đồng trực tiếp với 15 mô hình ở Đức Thọ để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gồm 4 mô hình lúa, 1 mô hình rau và 10 mô hình chăn nuôi. Ngoài ra, Tập đoàn Quế Lâm còn hỗ trợ huyện Đức Thọ xây dựng 3 mô hình trồng cây ăn quả.
Tập huấn chăn nuôi hữu cơ tại Tập đoàn Quế Lâm.
Huyện ủy Đức Thọ cũng ban hành Chỉ thị số 40 về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, UBND huyện ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của huyện giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo. Cả hệ thống chính trị huyện Đức Thọ cùng vào cuộc tổ chức các cuộc làm việc với các địa phương có mô hình ký kết với Quế Lâm để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và triển khai thực hiện các bước cải tạo đất, xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi, tổ chức giao nhận vật tư, con giống, giống, phân bón, men vi sinh xử lý rơm rạ…
Chuồng trại chăn nuôi hữu cơ theo quy trình thiết kế của Tập đoàn Quế Lâm
Đến nay, 15 mô hình điểm ở Đức Thọ đã có những kết quả bước đầu, tư duy về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã có những chuyển biến rõ. Anh Phạm Hải Thăng, Giám đốc HTX Thần Nông, xã Bùi La Nhân, chủ mô hình trồng trọt hữu cơ cho biết: “HTX đã ký hợp đồng liên kết với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 2ha theo hình thức hỗ trợ đầu vào, xây dựng quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 10 - 15%. Từ vụ hè thu 2023, Hợp tác xã Thần Nông đã nhận giống, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ, quy trình sản xuất. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, các nhà khoa học của Tập đoàn Quế Lâm đã đồng hành cùng với các xã viên xây dựng mô hình.
Các mô hình nhận vật tư, giống của Tập đoàn Quế Lâm.
Giám đốc Phạm Hải Thăng tính toán: Hiện nay mỗi sào ruộng trên một số trà lúa nông dân đang phải sử dụng từ 7 - 8 bình loại 18 - 20 lít thuốc BVTV mỗi vụ. Từ thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng, đạo ôn, đục thân, rầy, rồi thuốc chuột... Lượng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống ruộng đồng, nếu nhân với diện tích đất nông nghiệp sẽ cho con số vô cùng khủng khiếp.
Hậu quả là môi trường bị tàn phá, ảnh hưởng tới cả sức khỏe cả trên người lẫn vật nuôi, thành thử không có con đường nào khác ngoài việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Ngoài diện tích 2ha trong mô hình, 13ha còn lại HTX Thần Nông đang xây dựng theo quy trình sản xuất hữu cơ, đầu tư mạ khay - máy cấy, máy làm đất, máy gieo mạ 5.000 khay, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Hàng năm, 1 sào ruộng ở HTX Thần Nông được bổ sung thêm 100kg phân hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, phân bón vô cơ… Nhờ đó, trên cánh đồng của HTX hiện nay các loài rươi, cáy đã dần xuất hiện trở lại. Định hướng trong thời gian tới, HTX Thần Nông sẽ phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng mô hình lúa - rươi - cáy, kết hợp với trồng hoa ở các bờ thửa để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.
Tương tự ở các mô hình chăn nuôi, cây ăn quả, tư duy của bà con đã thay đổi hoàn toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phía Tập đoàn Quế Lâm đưa ra.
Huyện Đức Thọ cũng đã khai trương cửa hàng nông sản hữu cơ Đức Thọ.
“Thời gian tới, huyện Đức Thọ và Tập đoàn Quế Lâm sẽ tiếp tục đồng hành để các mô hình phát triển bền vững; tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân trong sản xuất, tiêu dùng nông sản hữu cơ; đào tạo về kỹ thuật sản xuất hữu cơ; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Nguyễn Anh Đức cho biết thêm.
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đồng hành làm nông sản hữu cơ, kinh tế tuần hoàn giữa huyện Đức Thọ và Tập đoàn Quế Lâm.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: “Bài học lớn để tạo nên sự chuyển biến, thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Đức Thọ chính là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự cần cù , ham học hỏi của bà con nông dân nơi đây”.
Tin rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện, cùng sự liên kết đồng hành của Tập đoàn Quế Lâm, bà con nông dân Đức Thọ sẽ kiến tạo thành công một nền nông nghiệp hữu cơ an toàn, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế.