Đơn vị của bà Đỗ Hằng (Thái Bình) cần phá dỡ công trình trụ sở cơ quan nhà nước cũ để xây dựng công trình mới. Theo Điều 45 Luật Quản lý tài sản công thì công trình này phải được phép phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bà Hằng hỏi, đối với công trình cấp xã thì bà phải trình cơ quan nào? Trình tự, thủ tục được quy định tại văn bản nào? Việc thanh lý tài sản được thực hiện vào bước nào của dự án xây dựng công trình (chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai đầu tư?)
Theo Điều 45 Luật Quản lý tài sản công thì tài sản được thanh lý trong trường hợp hết thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật. Vậy, đối với công trình là nhà, trụ sở làm việc thì thời hạn sử dụng quy định tại văn bản nào?
Về vấn đề này, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo Khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017:
"Điều 45. Thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Tài sản công được thanh lý trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật;
b) Tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả;
c) Nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Theo Điều 28, Điều 29 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:
"Điều 28. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công
Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 45 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được quy định như sau:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Điều 29. Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công
1. Khi có tài sản công hết hạn sử dụng theo chế độ mà phải thanh lý; tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả (dự toán chi phí sửa lớn hơn 30% nguyên giá tài sản); nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng hoặc các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản công, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định này, xem xét, quyết định.
Hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gồm:
a) Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công (trong đó nêu rõ trách nhiệm tổ chức thanh lý tài sản; dự toán chi phí sửa chữa tài sản trong trường hợp xác định việc sửa chữa không hiệu quả): 01 bản chính;
b) Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;
c) Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (chủng loại, số lượng; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do thanh lý): 01 bản chính;
d) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn có liên quan về tình trạng tài sản và khả năng sửa chữa (đối với tài sản là nhà, công trình xây dựng chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được): 01 bản sao;
đ) Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị thanh lý tài sản (nếu có): 01 bản sao.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định này quyết định thanh lý tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thanh lý không phù hợp. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm thẩm định về đề nghị thanh lý tài sản trong trường hợp việc thanh lý tài sản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo thẩm quyền".
Căn cứ các quy định nêu trên, việc thanh lý tài sản công trong đó có trường hợp là nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ để thực hiện dự án đầu tư theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thẩm quyền quyết định thanh lý do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công quy định tại Khoản 2 Điều 28 và trình tự thủ tục thanh lý tài sản công quy định tại Điều 29 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.