Không còn phải vất vả sản xuất trên những thửa ruộng manh mún. Bờ thửa nhỏ cũng đã được phá bỏ. Hình hài cánh đồng lớn đang dần hiện diện.
Cuộc cách mạng chuyển đổi, tích tụ ruộng đất đang thổi làn gió mới cho sản xuất nông nghiệp ở vựa lúa của tỉnh.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Dần là một trong những hộ có diện tích sản xuất lúa tương đối lớn ở thôn Đồng Vịnh, xã Tân Dân. Với 1,4 mẫu, thay vì phải đi lại sản xuất đến 3 nơi như trước, giờ đây đã được tích tụ lại một nơi.
Ông Nguyễn Trọng Dần bày tỏ: Vụ xuân 2025, gia đình tôi sẽ được sản xuất trên thửa ruộng mới bằng phẳng, to rộng hơn. Không chỉ giải phóng được sức lao đọng mà còn tiết kiệm được thời gian, chi phí làm đất, xuống giống và thu hoạch đỡ vất vả hơn vì được cơ giới hóa 100%.
Bà Lê Thị Đào, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Vịnh, xã Tân Dân cho hay: Không chỉ gia đình ông Dần, mà trên 200 hộ nông nghiệp ở thôn Đồng Vịnh sau khi bốc thăm nhận ruộng, đều hết sức phấn khởi, thể hiện sự đồng tình với chủ trương chuyển đổi ruộng đất lần này. Với 96 ha sản xuất lúa, trước chuyển đổi có trên 700 thửa, sau chuyển đổi giảm chỉ còn 235 thửa.
Thực hiện đề án chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, xã Tân Dân có gần 500 nghìn m2 ruộng sản xuất lúa cần chuyển đổi. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do địa hình bán sơn địa, nhưng với quyết tâm chính trị cao và phương pháp làm phù hợp với thực tiễn, hiện nay cớ bản các thôn ở Tân Dân đã tổ chức cho bà con nông dân bốc thăm và giao xong ruộng tại thực địa. Sau chuyển đổi, trung bình tỷ lệ hộ được sản xuất 1 thửa ở xã Tân Dân đạt 90% trở lên. Thửa lớn nhất 7000 m2.
Xã Tân Dân đang tập trung xây dựng kênh mương nội đồng
Bà Nguyễn Thị Loan, Thôn Trưởng thôn Long Lập, xã Tân Dân, cho biết thêm: Để tạo đồng thuận trong chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, thôn đã đầu tư cải tạo lại đồng ruộng, mở rọng hệ thống giao thông nội đồng, xây dựng kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con đi lại sản xuất, thu hoạch.
Là huyện thuần nông, Đức Thọ xác định chuyển đổi, tích tụ ruộng đất là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo bước đột phá, đưa cây lúa trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, đưa lại giá trị hàng hóa lớn.
Bà con nhân dân phấn khởi nhận ruộng tại thực địa
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Nguyễn Anh Đức nói: Từ năm 2021, Đức Thọ đã thực hiện thành công phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, đồng thời xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung, với tổng diện tích trên 200 ha tại 4 xã: Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy, Thanh Bình Thịnh, và Trường Sơn. Theo đó đã giảm từ 1928 thửa, xuống còn 180 thửa. Năm 2022, phong trào phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn tiếp tục được triển khai đồng loạt trên địa bàn 16 xã, Thị trấn. Khi cánh đồng lớn được hình thành, các hộ dân, tổ hợp tác và HTX đã liên kết sản xuất đồng nhất về lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy đã tạo ra những cánh đồng đưa lại năng suất, chất lượng cao.
Những cánh đồng lớn, đồng bộ về hạ tầng giao thông, thủy lợi, cũng mở ra cơ hội ứng dụng tiến bộ KHKT để sản xuất mô hình liên kết doanh nghiệp bền vững, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập cho bà con nông dân.
Cuộc cách mạng chuyển đổi, tích tụ ruộng đất ở Đức Thọ đã và đang thổi một làn gió mới cho sản xuất nông nghiệp của huyện. Nhờ đó mà những cánh đồng kém hiệu quả đang dần được hồi sinh. Những cánh đồng lớn, đồng bộ về hạ tầng giao thông, thủy lợi, cũng mở ra cơ hội ứng dụng tiến bộ KHKT để sản xuất mô hình liên kết doanh nghiệp bền vững, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập cho bà con nông dân.