Huyện Đức Thọ có lịch sử văn hóa lâu đời và giàu truyền thống, xác định xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong đời sống nhân dân có vai trò rất to lớn góp phần xây dựng văn hóa và con người Đức Thọ.
Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh trong mỗi gia đình, trong từng con người đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở huyện đức Thọ chú trọng, quan tâm chỉ đạo sát sao và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh ngày càng thay đổi, đời sống văn hóa con người ngày càng được nâng cao, các giá trị, chuẩn mực văn hóa được giữ gìn và phát huy, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết trong khu dân cư, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ đó đẩy mạnh kinh tế- xã hội phát triển, an ninh- chính trị ổn định.
Để thực hiện tốt nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt cho Nhân dân nắm bắt kịp thời và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; hướng dẫn cơ sở, Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh từ những việc làm cụ thể, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từ huyện đến cơ sở. Mặt khác, để việc thực hiện nếp sống văn minh được lan tỏa và thực hiện đồng bộ đến tận người dân, những nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đã được đưa vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố, nội quy của cơ quan, đơn vị từ đó đã phát huy ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc thực hiện.
Phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT ngày càng được đầu tư phát triển, tạo không khí đoàn kết vui tươi trong nhân dân
Kết quả cụ thể: Thực hiện tốt nếp sống văn hóa gia đình, hệ giá trị gia đình được nuôi dưỡng và phát huy, công tác bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình được đẩy mạnh, tình trạng bạo lực gia đình giảm rõ rệt, trên địa bàn huyện đã thành lập 05 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình. Phong trào xây dựng nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu đã đạt được hiệu quả khá toàn diện, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của Nhân dân. Số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa ngày một tăng, chất lượng phong trào ngày càng được chú trọng và nâng cao năm 2023, 2024 toàn huyện có 30.379 hộ gia đình (đạt 96%) đạt gia đình văn hóa và chính Các gia đình văn hóa là hạt nhân nòng cốt, tích cực, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng, trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương.
Nhiều đám cưới được tổ chức theo nếp sống văn minh
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đa số đám cưới đã được nhân dân tổ chức theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, văn minh và phù hợp với truyền thống của dân tộc. Việc tang gắn giữa các quy định của pháp luật với quy ước, hương ước khu dân cư và công tác tuyên truyền ở từng địa phương, các đám tang trên địa bàn được tổ chức đơn giản, văn minh, an toàn, tiết kiệm và đặc biệt là thực hiện tốt hình thức hỏa táng. Năm 2024 toàn huyện có 904 đám tang, trong đó có 645 đám tang theo hình thức hỏa táng (chiếm 71%). Các lễ hội được tổ chức theo quy chế bảo đảm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân.
Văn hóa giao tiếp với nhân dân gắn với thực hiện đạo đức công vụ
Xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước và các đoàn thể, được tập trung xây dựng, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, học tập chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; từ đó ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tốt văn hóa công sở, đạo đức nghề nghiệp phục vụ nhân dân chu đáo, tận tình. Ngoài ra, cũng phát huy được văn hóa, đạo đức nghề nghiệp, việc tuân thủ các quy định của nhà nước trong sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện tốt văn hóa ứng xử trong giao tiếp, trong kinh doanh...quan tâm đầu tư nâng cấp và bổ sung sản phẩm, dịch vụ nâng cao chất lượng phục vụ, quan tâm công tác; vệ sinh môi trường...đảm bảo các quyền lợi, chế độ cho người lao động góp phần xây dựng văn hóa, văn minh trong hoạt động kinh tế. Kết quả đến nay, có hơn 62 % cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Giá trị dy tích văn hóa được phát huy
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua việc thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn huyện cũng còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và người dân về nội dung này còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nếp sống văn minh, đặc biệt là việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn còn lỏng lẻo, chưa nghiêm. Không ít người còn lợi dụng việc cưới tang, lễ hội để vụ lợi cá nhân. Văn hóa ứng xử, mối quan hệ thiêng liêng, tốt đẹp giữa con người trong gia đình, nhà trường, xã hội đang bị chủ nghĩa thực dụng, tâm lý ích kỷ tác động làm suy yếu, Văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý còn nhiều điều băn khoăn, một số cán bộ làm việc cầm chừng, thiếu ý thức vì nhiệm vụ chung; im lặng trước cái sai, cái xấu; không dám bảo vệ cái tốt, cái thiện...ứng xử của một số cán bộ, công chức, viên chức với người dân chưa văn hóa. Làm việc vô cảm, thiếu tính phối hợp với đồng chí, đồng nghiệp. Một ít cán bộ có biểu hiện đua đòi, xa rời thực tế, trong khi điều kiện chưa cho phép. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Để tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, Tiếp tục Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về xây dựng nếp sống văn minh góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người. Trong đó cần chú trọng kịp thời triển khai, cụ thể hóa các quan điểm và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 của Trung ương, Nghị quyết số 18 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 06-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đức Thọ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa. Xây dựng con người văn hóa văn minh, thân thiện, đoàn kết và nhân ái. Phát huy hiệu quả Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, hương ước, quy ước thôn xóm, quy chế cơ quan, đơn vị…
Thứ ba, quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức, lối sống; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nhằm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ tư: Song song với phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên thì cần quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử phạt của chính quyền cơ sở và các phòng, ban chuyên môn, cá nhân, tổ chức về những vi phạm trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh./.