Vùng bãi bồi ven sông ở Thị trấn Đức Thọ, tưởng chừng như không thích hợp cho việc canh tác cây ăn quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, mô hình trồng táo của anh Anh Nguyễn Trung Tính, Tổ dân phố Đại Thành không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn mang đến sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Vườn táo Đại Thành giờ đây, đã trở thành một trong những điểm du lịch trải nghiệm độc đáo. Đây là minh chứng cho sự sáng tạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp, cho thấy tiềm năng phát triển bền vững của những vùng đất ven sông. Khởi nghiệp với cây táo năm 2017, một loại cây mà ít người nghĩ sẽ phát triển tốt trên đất bãi bồi ven sông, anh Tính đã thực sự thành công. Trên diện tích hơn 7000 m2, khoảng hơn 500 gốc táo mùa tiếp mùa đều cho trái ngọt. Mỗi năm, vườn táo đưa lại nguồn thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Trung Tính, Tổ dân phố Đại Thành, Thị trấn Đức Thọ: từ nhỏ tôi đã thích cây táo, vì vậy khi lớn lên tôi muốn trồng loại cây này. Bởi không chỉ đưa lạ hiệu quả kinh tế, mà còn có thể kết hợp làm du lịch. So với các loại cây ăn quả khác, trải nghiệm trong vườn táo, sẽ rất đẹp.
Mặc dù khởi đầu không dễ dàng, anh Tính đã phải vượt qua vô vàn thử thách để có được thành quả như ngày hôm nay. Bước vào hành trình khởi nghiệp, khoảng 3 năm đầu không cho thu nhập do cây giống không đảm bảo chất lượng, kỹ thuật hạn chế, rồi ảnh hưởng của mưa lũ...Tuy nhiên, qua mỗi thất bại, anh đã đúc rút được thêm kinh nghiệm, cộng với sự dày công tìm hiểu, anh đã lựa chọn được giống táo phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở đây.
Điều làm nên sự khác biệt của vườn táo Đại Thành, chính là sự tỉ mỉ và chăm chỉ trong từng công đoạn. Chủ nhân vườn táo không chỉ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà còn dành rất nhiều thời gian quan sát cây táo, theo dõi sự phát triển của từng chồi, từng lá. Việc tưới nước, bón phân, cắt tỉa được anh Tính thực hiện đều đặn và khoa học, để đảm bảo cho những đứa con của mình phát triển khỏe mạnh.
Anh Nguyễn Trung Tính, Tổ dân phố Đại Thành, Thị trấn Đức Thọ: tôi chăm sóc những cây táo như chăm sóc chính những đứa con của mình, luôn phải cẩn thận, tỷ mỉ. Trong quá trình chăm sóc, tôi không vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, tôi chăm sóc theo quy trình cắt cỏ thủ công, bón phân chuồng hoai mục, không sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào, dù là thuốc trừ cỏ, trừ sâu, để đảm bảo sản phẩm an toàn và môi trường an toàn cho du khách trải nghiệm.
Anh Tính còn không ngừng nghiên cứu và áp dụng thêm những kỹ thuật mới, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Anh luôn tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, giúp giảm thiểu chi phí và tăng trưởng bền vững. Chính nhờ vào sự chăm sóc tận tâm này, mà vườn táo của anh Tính dần trở nên nổi tiếng với những trái táo giòn ngọt, hương vị tự nhiên, không bị can thiệp bởi hóa chất. Ngoài giá trị kinh tế, vườn táo Đại Thành còn mang lại cơ hội phát triển du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài địa phương.
Chị Trần Thị Vũ Huyền, Tổ dân phố 5 Thị trấn Đức Thọ: Trải nghiệm và chụp ảnh tại vườn táo Đại Thành tôi thấy mình có những phút giây thư giản thật tuyệt vời, không khí trong lành, còn gì thú vị bằng được tự mình chăm sóc cây, thu hoạch quả và thưởng thức ngay tại vườn như thế này.
Bà Nguyễn Thị Hợi, Chủ tịch Hội nông dân Thị trấn Đức Thọ: Cho đến thời điểm này, trên địa bàn Thị trấn đã có 3 mô hình trồng táo quy mô lớn như anh Tính. Tuy nhiên để kết hợp du lịch trải nghiệm thì vườn táo Đại Thành là duy nhất. Chúng tôi đang đồng hành cùng chủ vườn để làm các thủ tục để được cấp Chướng nhận bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm.
Mô hình của anh Tính không chỉ tạo ra sản phẩm nông sản sạch, mà còn truyền cảm hứng cho những người trẻ khác, chứng minh rằng, với sự kiên trì và tình yêu đất đai, cây cối, ngay cả những vùng đất khó khăn, cũng có thể hình thành những mô hình nông nghiệp bền vững. Hiện nay, mô hình vẫn đang tiếp tục được anh Tính mở rộng, để hồi sinh những vùng đất hoang hóa ngoài đê trở thành những vườn cây ăn quả xanh tươi, trù phú.