Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tác động khi sắp xếp bộ máy cần hiểu rõ hơn để tránh hiểu lầm về mức hưởng lương hưu trong chế độ nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Nghị định quy định nhiều chính sách vượt trội cho người về hưu trước tuổi để tinh gọn bộ máy như ngoài tiền trợ cấp hưu trí và trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi thì còn được hưởng lương hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu. Người lao động cần hiểu đúng về chính sách này khi quyết định nghỉ hưu trước tuổi.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỷ lệ hưởng lương hưu vẫn căn cứ vào thời gian đóng bảo hiểm

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm cho các đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế và không gặp trở ngại. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã sẵn sàng để giải quyết chế độ cho các đối tượng nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP.

Tuy nhiên, từ thực tế giải quyết các chế độ nghỉ hưu trước tuổi trước đó, ông Thọ lưu ý cần hiểu đúng về chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Luật Bảo hiểm xã hội quy định mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu, trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Các chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu này thường bị hiểu nhầm là được nghỉ hưu trước tuổi nhưng vẫn hưởng lương hưu hàng tháng với tỷ lệ tối đa 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội mà không bị giảm trừ. Tuy nhiên, mức lương hưu hàng tháng sẽ được tính toán theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội tính đến thời điểm nghỉ hưu (đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2% và đều có mức tối đa bằng 75%).

Như vậy, nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy sẽ không bị giảm từ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm, còn mức hưởng lương hưu hàng tháng sẽ vẫn căn cứ theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Muốn hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng tối đa 75%, lao động nam phải đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội, còn lao động nữ thì phải đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trước lo ngại chính sách nghỉ hưu sớm sẽ tác động đến Quỹ Bảo hiểm xã hội, ông Thọ xác nhận cũng sẽ có tác động do giảm thời gian đóng và tăng thời gian hưởng lương hưu cho người lao động. Tuy nhiên, tại khoản 4 điều 16 của đã quy định, ngân sách Nhà nước đảm bảo đủ toàn bộ khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ hưu trước tuổi trong thời gian đủ từ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.

Tại khoản 3 điều 21 Nghị định 178 cũng đã quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội tính toán khoản kinh phí ngân sách Nhà nước phải bảo đảm tương đương với số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho thời gian nghỉ hưu trước tuổi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

“Cả Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đang có hiệu lực và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025 đều quy định Nhà nước bảo hộ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Do vậy, việc chi trả cho các đối tượng về hưu sớm không lo ảnh hưởng đến nguồn quỹ,” ông Thọ nói.

Đảm bảo chi trả chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Đối với người lao động không phải là cán bộ, công chức và không đủ điều kiện để nghỉ hưu sớm mà thôi việc do tinh gọn bộ máy sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, ông Thọ cho biết những lao động này sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Thọ, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì khi thôi việc sẽ được hưởng các chính sách về trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm... Nếu người lao động nghỉ nhiều, số lượng này tăng, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ chi ra nhiều hơn.

"Tuy nhiên, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn kết dư hơn 60.000 tỷ đồng. Do đó, với những viên chức, người lao động ‘hy sinh’ khi tinh gọn bộ máy thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn dư sức đảm bảo khả năng chi trả," ông Thọ khẳng định.

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; mức bình quân hưởng lương hưu của người lao động là gần 7 triệu đồng/người/tháng.

https://www.vietnamplus.vn/nghi-huu-truoc-tuoi-khi-sap-xep-bo-may-ty-le-huong-luong-huu-duoc-tinh-the-nao-post1007454.vnp


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.492.998
    Trong năm: 1.294.394
    Trong tháng: 110.782
    Trong tuần: 27.114
    Trong ngày: 265
    Online: 51