Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trên quê hương Tổng Bí thư Trần Phú, những năm qua, nhiều đoàn viên, thanh niên ở huyện Đức Thọ đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế. Nhờ đó không chỉ giúp bản thân có việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, mà còn góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Đoàn trong hệ thống chính trị.

Anh Nguyễn Duy Cương, sinh năm 1993, ở thôn Tân Thành, xã Tân Hương, sau nhiều năm xuất khẩu lao động trở về, cũng đã quyết định lập thân lập nghiệp trên quê hương. Trên diện tích 2 ha, anh Cương đang trồng hơn 200 cây ăn quả có múi, kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn, 20 con lợn thịt mỗi lứa.
Đặc biệt 3 năm nay, nắm bắt nhu cầu thị trường đang ưa chuộng sản phẩm ốc thịt để chế biến các món ăn, anh Cương đã quy hoạch, cải tạo 5000 m2 vườn đồi để nuôi ốc thịt và ốc giống. Để mô hình phát triển bền vững, anh đã tìm tòi, học hỏi và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy mỗi năm, thu hoạch từ vườn đồi mang lại cho gia đình anh trên dưới 200 triệu đồng. Anh Nguyễn Duy Cương đã trở thành ông chủ trẻ, sở hữu trong tay nguồn vốn lên đến hàng tỷ đồng.

Anh Nguyễn Duy Cương, Thôn Tân Thành, xã Tân Hương, cho hay: xuất khẩu lao động mặc dù có thu nhập khá, nhưng đổi lại phải xa gia đình, vợ con, cha mẹ, trong khi đó ở quê đất đai màu mỡ, phù hợp để phát triển kinh tế vườn đồi. Điều mà tôi hài lòng nhất là ở đây mình được làm chủ.
Tân Hương là một trong những xã thuộc vùng Trà Sơn của huyện Đức Thọ. Với địa hình bán sơn địa mặc dù sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, nhưng ngược lại là địa phương giàu tiềm năng để phát triển kinh tế vườn đồi. Nhìn thấy hướng đi cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Những người trẻ, nhất là những thanh niên có niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương như anh Nguyễn Duy Cương thực hiện những khát vọng của mình.

Bên cạnh đó, sự tạo điều kiện về đất đai của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của tổ chức đoàn, càng tiếp thêm động lực, niềm tin để thanh niên Tân Hương yên tâm khai thác tiềm đất đai, phát triển kinh tế một cách bền vững.
Chị Phùng Thị Thắm, Bí thư Đoàn xã Tân Hương nói: chúng tôi luôn đồng hành với đoàn viên thanh niên trong lập thân lập nghiệp trên quê hương, ngoài định hướng lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp, hỗ trợ về chuyển giao KHKT, đã làm tốt việc ký ủy thác giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn ngân hàng CSXH. Từ đó tạo động lực để thanhh niên tâm lập nghiệp trên quê hương.

Còn tại xã Thanh Bình Thịnh, địa phương có nghề mộc truyền thống, thanh niên nơi đây đã tiếp nối cha ông phát triển nghề mộc. Cơ sở sản xuất đồ gỗ Ngọc Tuần, do anh Võ Tá Tuần, thôn Gia Thịnh làm chủ, luôn nhận được sự hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhất là các chương trình khuyến khích khởi nghiệp của đoàn.
Anh Võ Tá Tuần, Thôn Gia Thịnh, xã Thanh Bình Thịnh bày tỏ: Sinh ra và lớn lên trên vùng quê có nghề mộc truyền thống, học hết THPT tôi đã quyết định lập nghiệp với nghề truyền thống của cha ông. Nhờ sự sáng tạo và đổi mới trong thiết kế, các sản phẩm của cơ sở không chỉ phục vụ nhu cầu trong huyện, mà thị trường còn được mở rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi năm cơ sở sản xuất của gia đình cho lãi tong từ 150 – 200 triệu đồng. Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho 10 lao động, trong đó 3 lao động thường xuyên, 7 lao động thời vụ.

Nghề mộc truyền thống ở xã Thanh Bình Thịnh có lịch sử trên 400 năm. Các thế hệ con, cháu nơi đây đã đưa nghề mộc phát triển lên một tầm cao mới, bắt nhịp với công cuộc CNH - HĐH của quê hương, đất nước. Và cũng chính từ nghề truyền thống của cha ông đã đưa tiêu chí nổi trội về lĩnh vực, ngành nghề nông thôn, đưa địa phương đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023. Nghề mộc truyền thống của cha ông cũng chính là cơ sở vững chắc, để nhiều đoàn viên thanh niên ở xã Thanh Bình Thịnh hôm nay khởi nghiệp thành công trên quê hương.

Trong những năm qua, phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp luôn được Đoàn các cấp ở huyện Đức Thọ triển khai sâu rộng và được ĐVTN tích cự hưởng ứng, tùy vào điều kiện thực tế tại các địa phương, nhiều ĐVTN đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện toàn huyện có trên 150 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Để phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên huyện Đức Thọ có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo tay nghề, chuyển giao KHKT, kỹ năng quản lý, tiếp thị đã được tổ chức thường xuyên. Từ đó tạo ra các cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các mô hình khởi nghiệp, để thanh niên có thể phát triển ý tưởng của mình một cách hiệu quả nhất. Chị Nguyễn Thị Hoài, Phó Bí thư Huyện đoàn Đức Thọ cho hay.
Phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên huyện Đức Thọ không chỉ mang lại những cơ hội phát triển cho mỗi một cá nhân, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của huyện. Những thanh niên với tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đang chứng minh rằng, không cần phải đi làm ăn xa, họ vẫn có thể thành công ngay tại quê hương mình.