Chiều 14/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội về công tác cải cách hành chính (CCHC).

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tổ chức thực hiện công tác CCHC thông qua việc ban hành các Chương trình, Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, các kế hoạch CCHC hằng năm. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai có hiệu quả Chương trình, Kế hoạch CCHC của Thành phố, đổi mới công tác ban hành kế hoạch, đề ra các nội dung, nhiệm vụ, đề án cụ thể; rõ người, rõ việc gắn với trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân; theo định kỳ ban hành kế hoạch kiểm tra theo nội dung, công việc đề ra. Sở Nội vụ - cơ quan thường trực chương trình CCHC của Thành phố, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoàn thành theo đúng tiến độ và chất lượng.

Theo kết quả điều tra khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước Thành phố năm 2014 (SIPAS) do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội chủ trì thực hiện, trong 6 dịch vụ hành chính công khảo sát, dịch vụ có tỉ lệ hài lòng cao nhất là cấp CMTND (91,33%), thứ hai là cấp Giấy khai sinh (87,09%), thứ ba là Đăng ký kết hôn (84,57%), thứ tư là cấp Giấy phép xây dựng nhà ở (80,68%), thứ năm là Chứng thực (78,05%), thứ sáu là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (71,16%).  Theo Báo cáo chỉ số CCHC cấp tỉnh được Bộ Nội vụ công bố trong các năm 2012, 2013, 2014, chỉ số CCHC của Hà Nội luôn xếp thứ hạng cao (năm 2012, Chỉ số CCHC của thành phố Hà Nội xếp thứ 7/63 cả nước, năm 2013 xếp thứ 5/63, năm 2014 xếp thứ 3/63). Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, ngành của Thành phố trong việc đẩy mạnh công tác CCHC, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô trong thời gian qua.

Cụ thể, Thành phố yêu cầu cắt giảm thời gian thành lập mới doanh nghiệp từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; đơn giản hóa 76 TTHC Thuế và đề xuất 55 kiến nghị với Tổng cục Thuế phương án đơn giản hóa các quy định của quy trình quản lý thuế, góp phần rút ngắn thời gian nộp thuế của doanh nghiệp còn 117 giờ/năm, vượt chỉ tiêu 121,5 giờ/năm...

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về việc ứng dụng và xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố hiện nay, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: Ngay từ đầu năm 2015, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban để chỉ đạo, điều hành trực tiếp, thông suốt trên toàn địa bàn Thành phố đối với công tác này.

Thành phố đã xây dựng và ứng dụng dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan, ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống dữ liệu của chính quyền vào một đầu mối, yêu cầu tất cả cán bộ cấp xã, phường đều phải đào tạo lại về công nghệ thông tin. Ví dụ như hiện nay, Thành phố đã xây dựng và ứng dụng quản lý học bạ điện tử của học sinh từ mẫu giáo đến THPT trên toàn Thành phố.

Về câu hỏi của Phó Thủ tướng đối với việc xử lý các dự án treo ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống của người dân, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho hay, hiện có một vài tồn tại cần khắc phục liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho người dân. Đó là, chủ đầu tư không nộp thuế dẫn đến tình trạng người mua nhà trở thành “con tin” của doanh nghiệp, những dự án treo dẫn đến người dân khu vực đó không được cấp sổ đỏ.

Trước thực trạng đó, Thành phố quyết tâm đến hết tháng 6/2017 sẽ cấp xong sổ đỏ cho người dân toàn Thành phố, kể cả chủ đầu tư có sai phạm vẫn cấp sổ đỏ cho dân, không để người dân thành “con tin” như hiện nay. Đồng thời, rà soát lại các quy hoạch treo, công bố cho người dân biết và xem xét cấp sổ đỏ cho dân. Đối với những hồ sơ đất đai còn tranh chấp đang được toà án thụ lý, Thành phố đề nghị toà án tiến hành xét xử nhanh để hoàn thiện thủ tục cấp sổ đỏ cho dân, không kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Các thông tin về quy hoạch, cấp sổ đỏ sẽ được công bố công khai trên mạng, kết hợp với việc chấn chỉnh lề lối và tác phong làm việc của cán bộ công chức toàn Thành phố.

Về cải cách hành chính, Thành phố đang sắp xếp lại từ 38 ban quản lý các dự án chỉ còn 6 ban quản lý. Đồng thời, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành trên tinh thần thực hiện nghiêm các nghị định, thông tư của cấp trên.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao công tác CCHC của Thành phố thời gian qua, góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng-an ninh và nâng cao vị thế của Thủ đô.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo đó, kết quả CCHC của Thành phố khá toàn diện, trên cả 6 mặt nội dung cải cách, được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác CCHC. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính được thực hiện khá đồng bộ và nề nếp theo hướng công khai, minh bạch, bước đầu đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân và doanh nghiệp. Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công đã được Thành phố quan tâm đẩy mạnh với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử gắn liền với cải cách hành chính. Thành phố đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Những điều kiện trên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về CCHC thời gian qua, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu Thành phố.

“Thành phố làm tốt công tác này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tìm hiểu đầu tư phát triển của Thành phố và đất nước. Thủ tục càng thông thoáng thì người dân và doanh nghiệp càng tin tưởng vào chính quyền. Qua đó, mong muốn Thành phố luôn là địa phương gương mẫu đi đầu, xứng đáng với vị trí, vai trò quan trọng của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về yếu kém, hạn chế cần khắc phục, Phó Thủ tướng cho rằng, Hà Nội rà soát đánh giá tác động của TTHC còn chậm, còn hình thức; vẫn còn một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC, gây xói mòn niềm tin của dân, nhất là liên quan đến cấp sổ đỏ, dự án xây dựng, ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của dân, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Về việc chậm trễ cấp sổ đỏ cho người dân do vi phạm của chủ đầu tư, Phó Thủ tướng chỉ rõ, phải xử lý chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn tiến hành cấp sổ đỏ cho dân, không bắt dân làm “con tin” của doanh nghiệp và chính quyền. Làm được điều này, mới thực sự tạo được niềm tin trong nhân dân, thực sự “vì nhân dân phục vụ”.

Về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng Thành phố cần khẩn trương xây dựng Chương trình hành động theo Nghị quyết 19 của Chính phủ; đẩy mạnh CCHC và đơn giản hóa thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công vụ, tạo hình ảnh người công chức Thủ đô liêm khiết, chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả; phối hợp với Bộ Tư pháp kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh không phù hợp...

Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã kiểm tra công tác CCHC tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.387.079
    Trong năm: 1.355.383
    Trong tháng: 117.521
    Trong tuần: 17.282
    Trong ngày: 2.867
    Online: 43