Đến nay, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Tĩnh mới chỉ đứng thứ 7 trong tổng số 13 địa phương. Để khắc phục tình trạng này, tiến tới xây dựng một chính quyền thân thiện với nhân dân, TP Hà Tĩnh tập trung đẩy mạnh...
Việc hạ vách kính ở các phòng giao dịch một cửa đã tạo sự thân thiện và thuận tiện hơn cho người dân.
Ông Lương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Nhằm phấn đấu xây dựng nền hành chính công theo hướng hiện đại, năng động, chuyên nghiệp, hiệu quả, UBND thành phố đã dự thảo quyết định “Quy định về trách nhiệm, cách thức công khai xin lỗi của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TP Hà Tĩnh nếu gây khó khăn, phiền hà hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính” và đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp của cán bộ địa phương cũng như nhân dân”.
Dự thảo quyết định này tập trung vào nội dung nâng cao văn hóa xin lỗi đối với nhân dân khi cán bộ không thực hiện đúng quy định trong giao dịch các thủ tục hành chính. Đây là một hình thức đánh giá định lượng do người dân giám sát. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, trình độ của người cán bộ, tạo sự gần gũi, thân thiện với người dân.
Quyết định cũng quy định 2 hình thức xin lỗi trực tiếp và gián tiếp đối với những sai phạm của cán bộ. Trong niên độ công tác (1 năm), công chức, viên chức chỉ thực hiện việc xin lỗi công khai trực tiếp hoặc có thư xin lỗi tổ chức, công dân không quá 3 lần. Nếu vi phạm lần thứ tư hoặc vi phạm lần thứ hai trong cùng một thủ tục hành chính đối với cùng một tổ chức, công dân thì phải bị xem xét kỷ luật và chuyển đổi vị trí công tác.
Ngoài ra, cá nhân công chức, viên chức đó phải công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: đài phát thanh của phường, xã đối với công chức cấp xã, đài TT-TH thành phố đối với công chức, viên chức thành phố.
Chính phủ yêu cầu sau năm 2020, tất cả các địa phương phải thực hiện chính quyền điện tử, tuy nhiên, đến nay, hệ thống trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của thành phố lại đang thiếu và yếu. Hiện nay, hệ thống một cửa và một cửa liên thông đang thực hiện dưới dạng làm thủ tục trên văn bản giấy tờ rồi nhập vào máy tính để lưu nhưng lại chưa kết nối được với cổng thông tin điện tử của tỉnh và trung ương. Dịch vụ công trực tuyến cũng chỉ mới nằm ở mức 2, có nơi mức 1.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy cho biết: “Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình CCHC, triển khai chính phủ điện tử. Điều đó không những tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp, mà còn góp phần giảm áp lực giấy tờ công việc lên chính các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện, thành phố đang chỉ đạo các địa phương, cơ quan nỗ lực để cung cấp dịch vụ công trực tuyến phổ biến ở mức 2, mức 3 cho nhân dân”.
Một trong những điểm mới được nhân dân đồng tình cao trong CCHC ở thành phố trong thời gian gần đây là chủ trương hạ các vách ngăn giữa bàn làm việc của cán bộ với nhân dân. Điều này đã tạo sự thuận tiện và cảm giác thân thiện cho người dân khi tới làm thủ tục tại phòng giao dịch một cửa. Đến nay, toàn bộ các phòng giao dịch của thành phố cũng như các xã, phường đã hoàn thành việc này.
Chị Nguyễn Thị Giang (phường Nam Hà) cho biết: “Việc hạ các vách ngăn ở phòng giao dịch một cửa tạo cảm giác gần gũi hơn rất nhiều. Thay vì phải cúi lom khom và khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin từ cán bộ như trước đây, chúng tôi đã được ngồi đàng hoàng và nghe rõ hơn những hướng dẫn của cán bộ”.
CCHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà TP Hà Tĩnh đang tập trung đẩy mạnh nhằm hướng đến xây dựng chính quyền gần gũi, thân thiện với nhân dân. Đó cũng là một trong những yếu tố xây dựng đô thị văn minh, góp phần hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II trong thời gian tới.