Cùng với hến sông La, bún bò Đò Trai thì bánh gai làng Khóng, Tổ dân phố Hùng Dũng, thị trấn Đức Thọ từ lâu đã là một sản vật nức tiếng của vùng đất này. Những chiếc bánh gai đen bóng mang hương vị ngọt thơm đã trở thành sản phẩm ocop 3 sao và là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh. Quý vị và các bạn có dịp về Đức Thọ hãy đến làng Khóng để cùng thưởng thức và trải nghiệm nghề làm bánh gai truyền thống này nhé!
Gia đình chị Nguyễn Thị Nho (ở làng Khóng) có gần 30 năm gắn bó và sinh sống bằng nghề làm bánh gai. Chị Nho cho hay, mỗi ngày cơ sở chị bán ra thị trường khoảng 1.500 chiếc bánh, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương.
Chị Nguyễn Thị Nho chia sẻ: “Nghề làm bánh gai ở làng Khóng có truyền thống khoảng hơn 50 năm nay. Ở địa phương, có hàng chục hộ theo nghề. Để làm ra một chiếc bánh gai thơm ngon, cần phải có nhiều nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, cùi dừa, mật mía... nhưng lá gai chính là linh hồn của chiếc bánh. Tên bánh cũng chính từ lá gai mà thành”.
Các vườn lá gai được trồng nhiều ở TDP Hùng Dũng, tên bánh cũng chính từ lá gai mà thành.
Lá gai và nếp được xay nhuyễn trộn với mật mía, sau đó sẽ vo tròn lại cùng với nhân bánh.
Để làm ra chiếc bánh gai Đức Thọ đặc biệt, người dân tận dụng những nguyên liệu tự nhiên, sử dụng lá gai trồng ở bãi bồi ven sông La tạo màu đen đặc trưng cho loại bánh này. Lá gai được luộc chín kỹ, vắt kiệt nước rồi đem đi giã nhuyễn cho thành bột mới sử dụng. Người làm trộn bột gạo nếp hoa cau với bột lá gai và mật mía để chế biến vỏ bánh bên ngoài đen bóng, dẻo mịn. Nhân bánh bên trong bao gồm đậu xanh, đường kính trắng và cùi dừa. Bánh gói bằng lá chuối khô nên có mùi hương rất riêng, không lẫn với những loại bánh khác.
"Bánh gai sẽ được gói bằng lá chuôi khô, có mùi thơm, khi kết hợp với mùi lá gai thì lại trở nên rất “hấp dẫn”. Ngoài ra, lá chuối khô giúp bánh bảo quản được lâu hơn, khi hấp bánh không bị hư lá hay phì bánh ra bên ngoài”. Chị Nguyễn Thị Nho cho biêt thêm.
Bánh sau khi gói lá chuối được buộc chặt. Dùng lá chuối khô gói bánh giúp cho phần vỏ không bị rách mà giữ được lâu hơn, khi hấp bánh không bị hư lá hay phì bánh ra bên ngoài.
Bánh chín được xếp vào thùng xốp, chờ đem đi nhập ở nhiều cửa hàng, đại lý trong huyện, tỉnh với giá 3.000-5.000 đồng/chiếc. Bánh gai là thứ bánh ăn nguội, không ăn nóng được vì khi bóc ra vỏ bánh sẽ dính vào lá, vào tay. Trải qua nhiều thăng trầm, bánh gai làng Khóng vẫn giữ được phong vị riêng có, thường được người dân mua làm quà biếu mỗi khi đi xa.
Những chiếc bánh gai gói ghém bằng tay của người dân làng Khóng là thức quà quê mà ai đi xa cũng đều nhớ về.
Ông Nguyễn Xuân Hải, xã Lâm Trung Thủy cho hay: “Tôi thường rất hay đến đây để mua bánh, vị bánh thơm, không quá ngọt, những chiếc bánh gai gói ghém bằng tay của người dân làng là thức quà quê mà ai đi xa cũng đều nhớ về”.
Làm bánh gai không chỉ mang lại thu nhập cao cho các hộ dân mà góp phần tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương".
Ông Nghiêm Sỹ Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết: “Nghề làm bánh gai làng Khóng có từ lâu đời. Hiện có gần 30 hộ dân duy trì nghề. Năm 2020 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao chương trình OCOP của tỉnh. Năm 2022 làng nghề bánh gai làng Khóng được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Nghề được truyền lại từ thời ông bà, đến nay có lẽ hơn 100 năm rồi. Công việc không chỉ mang lại thu nhập cao cho các hộ dân mà góp phần tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương".
Về làng Khóng, thưởng thức bánh gai cùng một ly chè xanh thì thật tuyệt vời!
“Đen tuyền chiếc bánh gai
Thơm thơm mùi lá trên tay ai cầm
Thức bánh dân dã tháng năm
Theo chân du khách về thăm mọi miền”
Nếu có dịp, xin mời quý vị và các bạn hãy về với quê hương Đức Thọ để thưởng thức hương vị ngọt thơm, bùi dẻo của bánh gai làng Khóng và tham quan những danh lam thắng cảnh đẹp của Đức Thọ nhé!