Qua nhiều thời kỳ phát triển, những làng Xô viết đầu tiên ấy cũng chính là những xã đi đầu trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Trong phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, ở Hà Tĩnh, ngoài những địa phương đi đầu như Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê… thì ở huyện Đức Thọ, dưới sự lãnh đạo của 28 chi bộ địa phương với 338 đảng viên, các làng Xô viết đã vùng dậy đấu tranh cướp chính quyền.
Đảng viên Nguyễn Đình Dũng (thôn Vĩnh Đại, Đức Vĩnh) tiên phong trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Về vùng quê cách mạng Thanh Lạng (nay là xã Đức Thanh) - một trong những địa phương có phong trào cách mạng 1930-1931 sớm nhất của huyện Đức Thọ, chúng tôi được lãnh đạo xã dẫn đến thăm đền Đức Quan Thánh ở thôn Đại Lợi - nơi chi bộ Đảng từng ẩn náu, tổ chức các phong trào đấu tranh của nhân dân.
Đền Thánh Chữ vừa được luật sư Phan Quốc Huỳnh - người con quê hương thành đạt ở Thủ đô Hà Nội tài trợ để khôi phục, tôn tạo. Ngôi đền nay đã khá khang trang với điện thờ trang nghiêm, không gian thoáng đãng, là nơi sinh hoạt tinh thần, giáo dục truyền thống của xã Đức Thanh.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Thanh Nguyễn Tiến Đạt cho biết, phát huy truyền thống quê hương, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà đã nỗ lực vươn lên giành nhiều thành tựu mới. Toàn xã hiện có 100 con em là thạc sỹ, tiến sỹ; hàng trăm con em xa quê thành đạt trên mọi miền Tổ quốc. Hướng về quê hương, trong 5 năm qua, con em Đức Thanh đã hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng, cùng với nguồn huy động nội lực của bà con trong xã giúp địa phương từng bước thực hiện các tiêu chí NTM.
Hành trình về những địa chỉ trong dòng lịch sử 1930-1931 đưa chúng tôi về Đức Vĩnh - nơi thành lập 1 trong 5 chi bộ đầu tiên của huyện. Địa điểm thành lập chi bộ xưa nay là vùng sản xuất màu của thôn Vĩnh Đại. Phó Bí thư Đảng ủy xã Lê Thị Mai Dung - người dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến đi này cũng sống tại thôn Vĩnh Đại và là cháu ngoại của một cán bộ tiền khởi nghĩa. Còn Bí thư Chi bộ thôn Cao Thị Châu là cháu dâu của ông Lê Tùng - một trong 2 cán bộ bị địch bắn trong cuộc biểu tình tại chợ Trổ vào đêm 11/12/1930.
Các đồng chí cấp ủy Chi bộ Vĩnh Đại trao đổi về kết quả xây dựng tuyến đường mẫu của thôn.
Tại ngôi nhà gỗ giản dị của ông Trương Thu (94 tuổi đời, 64 năm tuổi Đảng) - người vừa tham gia cùng biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã, chúng tôi được nghe kể chuyện về những năm tháng đấu tranh gian khổ và hy sinh trên mảnh đất này. “Địch đã 2 lần lập đồn truy bắt cán bộ cách mạng ở nơi đây. Chúng chặt bằng cây cối để dễ theo dõi, bắt bớ; các cuộc biểu tình bị địch điên cuồng đàn áp. Tuy vậy, chúng không thể dập tắt nổi phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Vĩnh Đại. Gia đình tôi có anh thứ 2 là ông Trương Tống Hạ cũng là cán bộ tiền khởi nghĩa. Sau khi giành được chính quyền, 4 anh em trai chúng tôi đều lần lượt lên đường nhập ngũ tham gia các cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc” - ông Thu kể.
Chi bộ Vĩnh Đại ngày nay là một trong những chi bộ mạnh, với 63 đảng viên, trong đó, 1/3 là đảng viên trẻ. Đảng viên trong chi bộ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong chương trình xây dựng NTM. Điển hình là đảng viên Phan Huy Hùng (30 năm tuổi Đảng) hiến 800 m2 đất ruộng của gia đình để làm sân thể thao thôn; đảng viên Nguyễn Đình Dũng (40 năm tuổi Đảng) tiên phong xây dựng vườn mẫu… Với sự góp sức của những hạt nhân như Chi bộ Vĩnh Đại, Đảng bộ xã Đức Vĩnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, đưa xã cán đích NTM vào cuối năm 2016.
Chứng kiến những làng Xô viết ở Đức Thọ xưa xây dựng NTM hôm nay càng hiểu thêm rằng, truyền thống cách mạng luôn là nền tảng để huyện lúa vững vàng bứt phá. Với 11 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và 9 xã đang phấn đấu cán đích năm nay, Đức Thọ đang tiến dần tới mục tiêu trở thành một trong những huyện NTM đầu tiên của tỉnh trước năm 2020.