imagesvq.jpg

      Sinh ra và lớn lên ở Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), được trời phú cho một nghị lực, trí thông minh và lòng kiên trì hiếm có, tới tuổi 77, ông đã đặt chân lên hầu hết mọi miền rừng núi của Tổ quốc. Khi tiếp xúc với ông, bao giờ người đối thoại cũng cảm nhận được từ con người có đôi mắt sáng biết nói ấy một phong thái giản dị, dễ tiếp xúc, dễ trao đổi và dễ tìm được tiếng nói chung. Bạn bè, đồng nghiệp thường gọi ông là "nhà giáo", "nhà sinh học", "nhà điểu học", "người bạn của thiên nhiên". Ông chính là GS. Võ Quý.

Sinh năm 1929, thuở nhỏ ông đã có duyên với thiên nhiên, thích quan sát, khám phá, tìm tòi những bí ẩn ở xung quanh. Năm 1946, ông thi vào Trường Quốc học Huế và là một trong bốn học sinh người Nghệ - Tĩnh đã đỗ vào trường khoá ấy. Tuy học 4 lớp khác nhau, song 4 anh em đều nhắc nhở nhau phải học làm sao để đứng đầu lớp. Nhưng chỉ học được vài tháng thì thực dân Pháp đánh vào Huế, ông phải về quê làm ruộng. Một năm sau, Trường chuyển ra Hà Tĩnh, ông được đi học trở lại và thế là ước mơ của ông lại được chắp cánh.

   Ông đến với nghề sư phạm như một định mệnh. Ông kể: "Lúc đầu tôi thích ngành Y lắm. Ba lần toan từ bỏ nghề "gõ đầu trẻ" nhưng không thành. Cực chẳng đã, nghĩ mình không thể thoát khỏi nghề "gõ đầu trẻ" thì phải làm thật tốt. Rồi mình trở nên yêu nghề thật sự. Thế mà lại hay."

Năm 1949, ông bắt đầu sự nghiệp cầm phấn ở trường cấp II Liên Việt tại xã nhà (nay là trường THCS Nguyễn Biểu, Hà Tĩnh). Năm 1950, ông được Tỉnh uỷ Hà Tĩnh điều sang dạy tại trường cấp III Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh). Tiếp đó, ông được chuyển đến Trường Sư phạm trung cấp Liên khu IV (Nghệ An), trường cấp III Lam Sơn (Thanh Hóa), rồi Nha Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục) và đến năm 1956, ông chuyển công tác về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

   Tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, ông đã đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau: giảng viên, Trưởng phòng Đào tạo (1975 - 1980), Chủ nhiệm Khoa Sinh học (1980 - 1990). Ông còn tham gia giảng dạy tại các trường đại học khác như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh... Ngoài ra, ông đã được mời giảng bài tại Đại học Wisconsin, Đại học Berkley (Hoa Kỳ), Đại học Oxford (Anh)... Từ năm 1985, ông sáng lập ra Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Trường ĐHTHHN (nay là Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc ĐHQGHN) - trung tâm đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và đào tạo về môi trường. Ông giữ chức vụ Giám đốc trung tâm trong 10 năm liền (1985 - 1995) và từ 1995 tới nay là Chủ tịch danh dự của Trung tâm. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự góp sức tích cực của ông, hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường là một trung tâm mạnh, có đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có cộng tác viên ở hầu khắp các tỉnh và có quan hệ hợp tác với nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế.

Gần 50 năm đứng trên bục giảng về chuyên ngành Sinh học, từng là Chủ nhiệm Khoa Sinh học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Võ Quý đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy sinh học cho đất nước. Học trò của ông hầu hết đã trưởng thành, nhiều người đã thành danh và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Có những người, do được đào tạo bài bản, được ông giúp đỡ, hướng dẫn tận tình nay đã trở thành đồng nghiệp, cộng sự đắc lực của ông. Đặc biệt, trong số ấy là người con trai thứ hai của ông, TS. Võ Thanh Sơn, nay là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ĐHQGHN.

Vốn là người yêu thiên nhiên, ham thích nuôi chim từ thuở thiếu thời, GS. Võ Quý đã sớm định hướng cho mình theo đuổi nghiên cứu chuyên ngành Điểu loại học ngay từ khi bắt đầu giảng dạy tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956). Khi đã là một nhà sinh vật học, ông có dịp đi đây đi đó, từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến vùng biển, được mắt thấy, tai nghe những cái hay, cái đẹp của tự nhiên, của đất nước và cả những cái chưa được. Qua nhiều dịp ra nước ngoài, ông nhận thấy điều mà các nước trên thế giới quan tâm nhất là môi trường và ông nghĩ: "Phải làm gì để không chỉ gìn giữ mà còn phát huy những điều kiện tốt đẹp của môi trường, đem lại nguồn lợi cho đất nước mình". Và từ đó, nhiều người đã biết đến ông với vai trò của một nhà nghiên cứu, một người có nhiều tâm huyết với vấn đề bảo vệ môi trường, một nhà điểu học - nhà nghiên cứu về chim hàng đầu của Việt Nam.

   Ông đã có công phát hiện ra một loài Trĩ mới cho khoa học ở vùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). GS. Võ Quý phát hiện ra con Trĩ lam Hà Tĩnh khi ông mới ngoài 30 tuổi, nhưng lúc ấy nghiên cứu của ông chưa được các nhà khoa học thế giới công nhận ngay. Ông đã kiên trì nghiên cứu và tìm tài liệu chứng minh con Trĩ lam Hà Tĩnh mà dân địa phương quen gọi là "Gà lừng" là một loài Trĩ mới. Thấm thoắt 20 năm trôi qua, sau nhiều lần kiểm chứng, Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) đã công nhận nghiên cứu của ông là đúng và đặt tên cho loài chim này là "Vo Quy Pheasant" (Trĩ Võ Quý) để ghi nhớ công lao của người đã phát hiện và mô tả chính xác một loài Trĩ mới quý hiếm. Đời một người làm khoa học, hạnh phúc nhất là những công trình, niềm say mê của mình được ghi nhận. Ông cũng vậy.

GS. Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp, học trò "kiểm kê" tỉ mỉ, kỹ càng hơn 1.000 loài và phân loài chim ở nước ta. Ông đã là tác giả của 14 cuốn sách, tiêu biểu như: "Chim Việt Nam" (tập 1, 2), "Cuộc sống các loài chim", "Danh mục các loài chim Việt Nam"...; là dịch giả chính của 3 cuốn sách về môi trường đồng thời cũng là tác giả của hơn 100 công trình khoa học đã công bố trong nước và nước ngoài. Sự gắn bó của GS. Võ Quý với thiên nhiên thể hiện ngay trong không gian sống gần gũi nhất của ông là nhà riêng và phòng làm việc với những bức tranh ảnh về các loài chim quý. Điều này khiến tôi chợt liên tưởng tới ông tiên trong truyện cổ tích. Tôi thắc mắc: "Tại sao giáo sư không nghiên cứu một loài khác, giống khác mà chỉ tập trung nghiên cứu về loài chim?". Ông ười và bảo: "Cũng có nhiều người thắc mắc như cô đấy!... Tôi có thói quen quan sát chim từ lúc 5 - 6 tuổi nên tôi biết tất cả những loài chim của quê mình. Biết thói quen của từng loài như thức dậy lúc mấy giờ, bay về tổ lúc nào, ăn quả cây gì, sinh sản ra sao... Khi lên đại học, tôi quyết định đi theo con đường làm khoa học và các loài chim trở thành đối tượng nghiên cứu của tôi".

   Đến nay, GS. Võ Quý đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về chim, về các loài động vật quý hiếm, về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường và về hậu quả của chất độc hoá học mà quân đội Mỹ đã dùng trong chiến tranh đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Ông là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN), Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC/IUCN). Ở trong nước, ông là người đứng đầu hoặc là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức như Tổng Hội Các nhà sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Sinh thái học Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam...

Năm 1971, trong khói lửa của chiến tranh miền Nam, theo gợi ý của GS. Tôn Thất Tùng, ông cùng một nhóm các nhà khoa học đi khảo sát hậu quả chiến tranh do chất độc hóa học Mỹ rải xuống vùng Bến Hải. Thế là ngoài việc nghiên cứu về chim, ông bắt đầu nghiên cứu về môi trường chiến tranh từ lúc đó. Nhưng do năm 1971, chiến tranh khốc liệt, bom đạn tơi bời, đoàn công tác của GS. Võ Quý vào đến Hiền Lương thì không thể vượt qua vĩ tuyến 17 để vào Nam. Chuyến đi thực địa đầu tiên không thành. Năm 1974, ông lại xin vào Nam lần nữa, mang theo một đoàn công tác gồm 10 người. Ba tháng lặn lội dọc theo đường Trường Sơn, chứng kiến hàng ngàn hecta rừng bị Mỹ rải chất độc hóa học, mọi sự sống bị huỷ diệt một cách tàn khốc, ông đã quyết định dành trọn cuộc đời cho môi trường.

Trong chuyến khảo sát ấy, 300 thước phim 16 ly của GS. Võ Quý đã ghi lại được cảnh những cánh rừng rộng lớn với những cây cổ thụ nhiều người ôm bị chết khô vì chất độc da cam, quang cảnh hoang vắng, không một tiếng chim kêu, vượn hót. Đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra lời khẳng định chính thức và đầy đủ căn cứ khoa học về tác động khủng khiếp của chất độc da cam đối với môi trường. Chính từ những gì tận mắt chứng kiến đã khiến ông đi đến kết luận ngay từ những năm 1980 rằng phải mất hàng trăm năm thì hai triệu hecta rừng bị rải chất độc mới có thể tự hồi sinh. Không thể chờ rừng hồi sinh tự nhiên, ông đã cùng đồng nghiệp đề xuất giải pháp trồng rừng và được nhiều địa phương hưởng ứng. Với sự nỗ lực của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, nhiều dự án về bảo vệ thiên nhiên và phục hồi những vùng đất bị suy thoái đã dần dần được thực hiện có hiệu quả.

GS. Võ Quý là đồng sáng lập và Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm hai Chương trình quốc gia về môi trường từ năm 1981 đến năm 1990. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc đề xuất các chính sách phát triển bền vững. Ông cũng là người biên tập và là đồng tác giả của bản thảo đầu tiên về Chiến lược bảo vệ môi trường và Luật bảo về môi trường.

Khó có thể kể hết những huân chương, huy chương, bằng khen cao quý tới những phần thưởng mà các tổ chức trong nước và quốc tế đã trao tặng cho GS. Võ Quý, từ Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Nhà giáo ưu tú tới Huy chương vàng của Ngân quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Bằng danh dự Global 500 của Liên hiệp quốc, Huy chương John Philipps - phần thưởng cao quý nhất của Hiệp Hội quốc tế Bảo vệ tự nhiên (IUCN)... Ông đã dồn cả tâm huyết, công sức và cả tiền của để góp sức vào bảo vệ tài nguyên môi trường, xoá đói giảm nghèo cho nông dân. Ông đã tặng toàn bộ phần thưởng trị giá 150.000 USD giải Pew Scholars do Đại học Michigan (Hoa Kỳ) trao để nghiên cứu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Hà Tĩnh. Đến bây giờ, người dân ở 7 xã quanh hồ Kẻ Gỗ thuộc hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn hay nhắc đến "vườn cam của ông Quý" bằng tất cả tình cảm mến yêu và biết ơn.

Năm 2003, GS. Võ Quý vinh dự là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ hai được nhận Giải thưởng Hành tinh xanh, giải thưởng quốc tế tương đương giải Nobel về môi trường, do Ashahi Glass Foundation trao tặng. Ngay từ khi nghe tin được trao giải, ông đã dự định sẽ dùng toàn bộ số tiền 50 triệu yên Nhật (tương đương khoảng 6 tỷ đồng Việt Nam) vào việc nghiên cứu và bồi dưỡng cán bộ ngành môi trường. Tới nay, hàng năm, ông đã trích dần số tiền này để góp phần cùng với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ĐHQGHN tổ chức các lớp bổ túc kiến thức về môi trường cho những người đang làm công tác này và hỗ trợ các hoạt động về đào tạo và nâng cao năng lực đào tạo của Trung tâm. Ông bộc bạch: "Đây là công việc của nhà nước, nhưng nhà nước chưa thể làm hết được. Mục đích của tôi là đóng góp một phần sức mình vào công việc đó một cách hữu ích".

   Làm phim cũng là một niềm yêu thích thời trẻ của ông nhưng đầy tình cờ. Trong những chuyến đi thực tế, khảo sát, nghiên cứu về chất độc màu da cam từ những năm 1970, ông quay phim, chụp ảnh chỉ là để lấy tư liệu, nhưng rồi ông nhận thấy "không có nó (máy quay phim, máy ảnh) không được" và rồi hai thứ này đã trở thành vật bất ly thân mỗi khi ông có cơ hội đến với thiên nhiên. Có những khi ông ngồi lặng hàng giờ để ghi âm tiếng chim. Chuyến đi khảo sát nào cũng thế, ông say sưa quay phim, chụp hình rồi lại cặm cụi ghi chép lại những điều đã mắt thấy, tai nghe. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, tới Côn Đảo, ông chỉ định quay phim để lấy tư liệu, nhưng khi về xem lại ông nảy ra ý định làm thành phim. Thế là, với sự cộng tác của anh bạn họa sĩ, anh bạn làm nhạc và vợ ông, bà Lê Thanh, viết lời bình, bộ phim "Côn Đảo, viên ngọc quý của Tổ quốc ta" đã ra đời. Tình cờ một người bạn làm truyền hình thấy thích quá liền xin về để phát sóng và khán giả truyền hình đã đề nghị phát lại mấy lần. Sau này, GS. Võ Quý còn làm cố vấn khoa học cho hãng phim ACACIA (Anh) về bộ phim "Việt Nam sau khói lửa chiến tranh" đoạt giải nhì Liên hoan phim Canada (1989), giải phim truyền hình thời sự hay nhất tại New York (1990); với hãng BBC (Anh) về bộ phim "Việt Nam một đất nước, không phải chiến tranh". Ở Việt Nam, nhiều người đã quen mặt và rất có cảm tình với người dẫn chương trình trên chuyên mục "Đến với thiên nhiên", KCT (VTV2) - GS. Võ Quý. Hơn 200 chương trình phát sóng ông tham gia thì mỗi chương trình là một ý tưởng, một cách nói vui nhưng dễ phổ biến, dễ hiểu mà lại rất khoa học. Ông bảo: "Phải làm cho người ta nhớ mà lại không nhàm, lúc thế này, lúc thế kia nhưng cũng chỉ xoáy vào một vấn đề lớn là tại sao phải bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên".

   Ông còn dành nhiều tâm sức để nghiên cứu về đa dạng sinh học, các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn, giúp đỡ các cộng đồng địa phương trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững. Ông đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ giữa người dân, nhất là dân nghèo, với tài nguyên thiên nhiên để tìm ra những biện pháp hữu hiệu góp phần xoá đói, giảm nghèo, giúp đỡ người dân ở các vùng đệm của các khu bảo tồn phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, không phá rừng mà còn tích cực bảo vệ rừng và đưa ra quan điểm "bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng".

Dự án xóa đói giảm nghèo cho nhân dân 137 xã thuộc 9 huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh do Ngân quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ và do ông làm cố vấn là một điển hình. Đây là dự án đầu tiên của Liên hiệp quốc thực hiện tại Việt Nam mà hầu như không có chuyên gia nước ngoài tham gia. GS. Võ Quý đã dồn nhiều công sức, tâm huyết để giúp Hà Tĩnh thực hiện tốt dự án. Cho tới nay, dự án đã kết thúc sau 5 năm thực hiện, được IFAD đánh giá rất cao.

Có người bảo, vì sống trong thiên nhiên nên GS. Võ Quý như khoẻ hơn, linh hoạt hẳn lên. Có phải vậy mà đến bây giờ, dù đã ở tuổi 77, tóc trên đầu đã trắng như cước mà ông vẫn có sự dẻo dai đến lạ kỳ? Những lần tôi đến thăm, ông thường rất bận rộn bởi những chuyến đi Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh và những tập dự án. Ông bảo: "Tôi còn nhiều việc phải làm. Trước mắt là tiếp tục làm đề án xin thực hiện giai đoạn 2 dự án xóa đói giảm nghèo cho tỉnh Hà Tĩnh, rồi làm thủ tục đề nghị UNESCO công nhận khu dự trữ Con người và Sinh quyển (MAB) cho một số khu bảo tồn của Hà Tĩnh. Tôi cũng đang cố gắng giúp tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao năng suất của cây gió trầm. Nếu thành công, đây sẽ là giải pháp tích cực để người dân Hà Tĩnh phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao đời sống. Thành phố Hồ Chí Minh và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật cũng đang yêu cầu tôi giúp xây dựng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên cho thành phố...".

Khi tôi hỏi: "Với nhiều dự định như thế, điều bác mong nhất hiện nay là gì?". Ông cười và nói: "Sức khoẻ! Tôi mong mình khoẻ khoắn và tỉnh táo để tiếp tục làm việc. Được làm những điều mình yêu thích thì còn gì thú vị bằng". Vượt lên tất cả những khó khăn, trở ngại, tự nguyện dấn thân cho khoa học để phục vụ đất nước - GS. Võ Quý là thế đó./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.474.528
    Trong năm: 1.304.673
    Trong tháng: 101.094
    Trong tuần: 30.307
    Trong ngày: 366
    Online: 45