Hiện nay pháp luật về đất đai, nhà ở, công chứng, đăng ký biện pháp bảo đảm không có quy định riêng dành cho tổ chức, cá nhân khi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Công ty CP Hải An chuyên thực hiện các công trình xây lắp dạng nhỏ và có ký hợp đồng giao khoán công việc với cá nhân. Để thuận lợi cho việc thanh toán, cá nhân muốn thế chấp quyền sử dụng đất của cá nhân cho công ty. Tuy nhiên khi Công ty liên hệ phòng công chứng thì được trả lời, văn phòng chỉ công chứng hợp đồng thế chấp giữa cá nhân với Tổ chức tín dụng, mà Công ty không phải tổ chức tín dụng. Phòng đăng ký đất đai cũng chỉ nhận hồ sơ với một bên là tổ chức tín dụng. Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Hải An hỏi, trong trường hợp này, Công ty cần làm những thủ tục gì để có thể công chứng hợp đồng kể trên. Nếu 2 bên ký hợp đồng mà không công chứng, khi xảy ra tranh chấp thì hợp đồng đó có hiệu lực pháp luật không?
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có quyền “Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Điểm đ Khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có quyền “Thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động ở Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Tại Khoản 2 Điều 144 Luật Nhà ở năm 2014: “Chủ sở hữu nhà ở là cá nhân được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật” (trừ trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất hợp pháp của mình; cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại Điều 147 Luật Nhà ở năm 2014).
Như vậy, hiện nay pháp luật về đất đai, nhà ở, công chứng, đăng ký biện pháp bảo đảm không có quy định riêng dành cho tổ chức, cá nhân khi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được pháp luật về đất đai ghi nhận trong trường hợp đất đủ điều kiện thế chấp quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 hoặc pháp luật về nhà ở ghi nhận trong trường hợp nhà ở đủ điều kiện giao dịch theo quy định tại Điều 188 Luật Nhà ở năm 2014.