24 ngàn m2 là diện tích được xã Đức Yên quy hoạch ở thôn Đại Nghĩa, chuyên sản xuất rau an toàn theo mô hình HTX. Việc tổ chức sản xuất diễn ra ở tất cả các mùa trong năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là vụ đông và vụ xuân.
Ông Chu Huy Hoàng thôn Đại nghĩa xã Đức Yên chỉnh trang lại hệ thống tưới tiêu
Sau thiệt hại của các đợt mưa lũ vào đầu tháng 9, thời gian này, bà con nhân dân thôn Đại Nghĩa đang tập trung nhân lực để tái sản xuất.
Vào sáng sớm không khí lao động sản xuất ở cánh đồng rau thôn Đại Nghĩa, xã Đức Yên luôn nhộn nhịp. Người làm đất, người chăm sóc, người thu hoạch, người thì soạn sửa lắp đặt nhà lưới...Hệ thống béc tưới phun sương trắng xoá, cùng những giọt mồ hôi của bà con nông dân đã đổ xuống, để cho các loại rau nảy mầm, vươn lên tươi tốt. Gia đình ông Chu Huy Hoàng là một trong những hộ có thâm niên sản xuất rau an toàn từ mấy chục năm nay. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở nhiều xứ đồng, giờ đây 500 m2 trồng rau của gia đình ông đã được tích tụ về 1 nơi. Hiện gia đình ông vừa đầu tư trên 10 triệu đồng làm nhà lưới, lắp hệ thống tưới phun sương, mà nguyên vật liệu được mua từ Đà Lạt, xứ sở sản xuất rau nổi tiếng của cả nước. Ông Hoàng bày tỏ.
Tháng 10/2016, mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Đức Yên được thành lập. Hiện tại có 24 hộ nông dân tham gia sản xuất. Với cảnh quan đẹp, thoáng đãng; nằm ngay cạnh đường lớn, thuận lợi cho việc đi lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thôn Đại Nghĩa trở thành địa điểm lý tưởng để hình thành HTX rau an toàn. Sau 3 năm HTX sản xuất rau an toàn ở thôn Đại Nghĩa đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Vừa là Phó giám đốc HTX, cũng là người tiên phong trong sản xuất, ứng dụng KHKT trong tưới tiêu chủ động, từ đó cho sản phẩm rau an toàn, ông Nguyễn Ngọc Tâm cho biết: Nông dân đã dần tiếp cận với quy trình sản xuất khép kín, quỹ thời gian nhàn rỗi được tận dụng tối đa, thu nhập được cải thiện. Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của HTX, UBND xã Đức Yên cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ như: làm hàng rào, đường giao thông, mương tiêu úng, hệ thống điện, giếng khoan tại ruộng cung cấp nguồn nước sạch. Đồng thời hỗ trợ từ 50 – 70% kinh phí lắp đặt nhà lưới, hệ thống béc tưới…HTX cũng thường xuyên hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại vật tư, thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo an toàn.
Việc tổ sản xuất theo hình thức thành lập HTX đã giúp bà con nông dân nâng cao giá trị thu nhập, cần thiết phải thay đổi tư duy sản xuất. Ngoài các chính sách hỗ trợ kích cầu về cơ sở vật chất, bà con còn được tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình trên toàn tỉnh, đây chính là cơ hội để nông dân làm ra sản phẩm chất lượng, tạo thương hiệu riêng cho địa phương.
Quy trình sản xuất được thực hiện khá chặt chẽ từ khâu làm đất, xử lý hạt giống, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các giống rau được bà con nông dân Đại Nghĩa lựa chọn trồng, và xem như thế mạnh đó là các loại rau gia vị. Bởi trồng các loại rau này hạn chế được sự tấn công của sâu bệnh, do vậy hầu như không phải sử dụng thuốc đến thuốc bảo vẹ thực vật. Theo đánh giá, trồng rau an toàn ở Đại Nghĩa cho thu nhập ổn định. Trung bình mỗi hộ sản xuất thu từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng/sào. Theo đó doanh thu mỗi năm của HTX sản xuất rau an toàn xã Đức Yên lên đến 800 triệu đồng.
HTX Sản xuất rau an toàn thôn Đại Nghĩa không những giảm được chi phí đầu tư, hạ giá thành, mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó, mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, từng bước thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. HTX vừa thay đổi tư duy sản xuất, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Chính quyền địa phương xã Đức Yên đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh với bà con nông dân, trong việc kêu gọi các doanh nghiệp liên kết, nhằm tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.