Với phương châm “Phòng ngừa là chính, chữa cháy kịp thời và hiệu quả”, huyện Đức Thọ đã và đang tập trung cao, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng.
Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương có rừng cũng như chủ rừng tăng cường công tác bảo vệ , PCCCR.
Ông Phan Công Chính, thôn Tân Tiến, xã An Dũng là người có thâm niên hơn 30 năm trồng rừng, và sống vì rừng. Hiện ông là một chủ rừng, đang sở hữu diện tích rừng trồng lớn nhất của huyện Đức Thọ, với trên 80 ha, trong đó 5 ha cao su chuẩn bị cho thu hoạch lứa mủ đầu tiên, còn lại là rừng keo từ 2 – 6 năm tuổi. Mỗi năm ông có từ 15 – 20 ha rừng keo cho thu hoạch, với số tiền thu về trên dưới 1 tỷ đồng. Vì vậy trong thời điểm nắng nóng diễn ra như hiện nay, nếu lơ là, xảy ra cháy rừng, thì thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Bám rừng để bảo vệ, hạn chế nguy cơ cháy rừng là việc làm hàng ngày được ông Phan Công Chính, thôn Tân Tiến, xã An Dũng thực hiện, nhất là trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao như hiện nay .
Ông Chính cho hay: Thời điểm này, tôi không đi đâu xa, bởi một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19, phải hạn chế tiếp xúc, nhưng cái chính là phải ở nhà bám rừng, có những ngày tôi ở suốt trong rừng, để phát dọn thực bì đồng thời để bảo vệ, kịp thời phát hiện, dập tắt những điểm phát lửa có thể xảy ra.
Hiện toàn huyện Đức Thọ có trên 3.200 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có gần 2.500 ha rừng trồng, chủ yếu là rừng cao su, keo và bạch đàn, tập trung tại địa bàn 08 xã, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được bàn giao cho các tổ chức, hộ gia đình quản lý.. Đây cũng chính là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Điển hình như Nông trường Đức Thọ, thuộc Công ty cao su Hương Khê, hiện đang quản lý gần 850 ha rừng, bao gồm 350 ha rừng trồng cao su từ 8 – 13 năm tuổi, còn lại là keo và rừng tự nhiên. Trong đó 70 ha cao su đã cho thu hoạch mủ được 4 năm nay. Bình quân sản lượng đạt 5 tạ/ha/năm.
Cán bộ công nhân nông trường Đức Thọ phát quang đường băng cản lửa.
Ông Phan Xuân Hải, Giám đốc Nông trường Đức Thọ cho hay: Vào đầu mùa nắng nóng, đơn vị đã chủ động gắn gần 80 biển cấm lửa ở các bìa rừng, khu vực rừng có nguy cơ dễ cháy, xây dựng 5 biển tường có nội dung tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, phát dọn 14,5 km đường băng cản lửa, 370 ha thảm thực bì...đồng thời trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ công tác chữa cháy rừng.
Hạt Kiểm lâm Đức Thọ tuấn tra bảo vệ rừng trong những ngày cao điểm.
Tân Hương là xã có diện tích rừng lớn nhất ở huyện Đức Thọ, với 1200 ha. Đây cũng được cho là địa bàn trọng điểm, và dễ xảy ra cháy rừng. Rừng ở xã Tân Hương được phân bố liền kề, trải đều tại 4/4 thôn. Hệ thống giao thông thuận lợi cho việc ra vào rừng, thảm thực bì nhiều và dày, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao. Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết : Điều thuận lợi là hiện nay, 100% rừng ở xã Tân Hương đều đã được giao về cho nhân dân, tổ chức trồng, quản lý và khai thác. Địa phương cũng đã kiện toàn và hoạt động hiệu quả ban chỉ đạo, 04 đội bảo vệ, xung kích PCCCR gồm 44 người, được trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện, phục vụ tuần tra canh gác, bảo vệ rừng. Hàng năm đều phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, ký cam kết cho 100% học sinh, và hộ gia đình có rừng, sống gần rừng, không đem lửa, hay đốt lửa trong rừng.
Hạt Kiểm lâm Đức Thọ tổ chức ký cam kết cho các gia đình sống gần rừng.
Là cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Đính, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đức Thọ cho hay: Hạt Kiểm Lâm huyện Đức Thọ đã lường trước những khó khăn, thách thức, khi bước vào mùa nắng nóng. Năm nay, ngoài việc tăng cường lực lượng phòng chống cháy rừng, đơn vị đã cấp nhật hàng ngày bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, trên hệ thống truyền thành các xã, và chương trình phát thanh của Trung tâm Văn hóa – Truyền thông huyện. Đồng thời tham mưu cho UBND huyện, kiện toàn Ban chỉ đạo, các tổ xung kích Bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng. Phân công cán bộ phụ trách địa bàn, phối hợp với các xã, các chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra ở tất cả các cánh rừng. Từ đó chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các điểm phát lửa. Việc phát dọn đường băng, xử lý thực bì, theo dõi diễn biến của rừng, luôn được lực lượng kiểm lâm địa bàn quan tâm thực hiện. Góp phần giảm nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng.
Tu sửa và lắp đặt mới hơn 135 hệ thống biển tường, biển cấm lửa, biển cấp dự báo cháy rừng, tại các cửa rừng, ven rừng có người qua lại, xây dựng 5 km đường băng cản lửa, phát dọn 30 ha thực bì, giảm vật liệu cháy.
Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR ở huyện Đức Thọ, đã và đang góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng. Từ đó giữ màu xanh cho những cánh rừng, và giúp người dân hưởng lợi nhiều hơn từ rừng.