Tốt nghiệp ở một trường Đại học có tiếng, tìm được việc làm ổn định ở thành phố với mức lương khá, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Minh Phong và chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Bình Tiến A, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ vẫn quyết định bỏ phố về quê, lập thân lập nghiệp.

Vợ chồng anh Phong-chị Hoa (ở giữa) tại buổi ra mắt mô hình kinh tế thanh niên hưởng ứng ngày hội Đoàn viên thanh niên sáng tạo khởi nghiệp.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hơn 40 năm làm nghề mài lưỡi cưa tại làng nghề sản xuất đồ mộc nổi tiếng của xã Thái Yên, nay là xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ. Anh Nguyễn Minh Phong (sinh năm 1987), tốt nghiệp trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1991) tốt nghiệp trường ĐH Thương Mại Hà Nội, sau nhiều năm làm việc tại thành phố lớn, vợ chồng anh quyết định trở về lập nghiệp tại chính quê hương mình. Nhận thấy nhu cầu sử dụng lưỡi cưa tại làng nghề đồ mộc rất lớn, chủ cơ sở sản xuất thường phải mua từ các nơi khác, mất chi phí vận chuyển, giá thành cao. Năm 2015, Anh Phong quyết định mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất lưỡi cưa ngay trên diện tích gần 150m2 của gia đình.

Anh Phong bên máy hàn cưa tự động công nghệ tiên tiến hiện đại nhập khẩu từ CHLB Đức.

Anh Phong cho biết: "Ban đầu, chỉ dám đầu tư  một vài loại máy móc làm đơn giản, sau hơn 5 năm với phương châm vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và vốn, đến nay, anh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng mua sắm đầy đủ các loại máy móc công nghệ tiên tiến hiện đại của nước ngoài như máy dập, máy rửa, máy hàn lưỡi cưa tự động,..."  

Chị Nguyễn Thị Hoa (vợ anh Phong) người luôn đồng hành cùng chồng trên con đường lập nghiệp.

Mỗi ngày cơ sở của anh Phong sản xuất được khoảng gần 200 lưỡi cưa thành phẩm, gồm các loại lưỡi cưa gỗ, lưỡi cưa thực phẩm đông lạnh, lưỡi dao cắt giấy công nghiệp,...  mỗi sản phẩm có giá bán từ 150.000 đ-200.000 đ, cung cấp đủ nhu cầu cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề, ngoài ra còn bán ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Trừ các chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu nhập từ 30 triệu - 35 triệu đồng.

 Vừa phòng chống dịch, vừa duy trì  hoạt động sản xuất,  cơ sở của anh Phong vẫn đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, trong đó chủ yếu là lực lượng đoàn viên thanh niên của địa phương với thu nhập ổn định mỗi tháng từ 6 triệu-8 triệu đồng.

 Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Phong còn được biết đến với vai trò là Phó Bí thư chi bộ, Bí thư chi Đoàn nhiệt tình, gương mẫu của thôn Bình Tiến A. "Bằng những kinh nghiệm vốn có trong quá trình phát triển kinh tế, anh Phong luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên quê hương mình. Hiện xã Thanh Bình Thịnh có trên 10 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ cho thu nhập khá, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Các tổ chức cơ sở Đoàn sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ đoàn viên trong quá trình lập nghiệp, khởi nghiệp, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội." Anh Võ Tuấn Anh, Bí thư Đoàn xã Thanh Bình Thịnh cho biết.

 Anh Phong dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tuyển dụng, đào tạo thêm công nhân, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp nhiều lao động vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Với tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, dám nghĩ,  dám làm,  tin rằng anh Phong sẽ thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.431.418
    Trong năm: 1.332.939
    Trong tháng: 104.240
    Trong tuần: 25.910
    Trong ngày: 671
    Online: 5