Cụm công nghiệp Đức Thọ (Hà Tĩnh) với 3 nhà máy đã đi vào hoạt động sẽ tạo cơ hội việc làm cho gần 4.000 lao động địa phương và các vùng lân cận.
Ly nông không ly hương
Sau kỳ nghỉ tết Tân Sửu, sáng 16/2, chị Nguyễn Thị Giang, quê xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) cùng nhiều lao động đã trở lại làm việc tại Nhà máy Bao bì Sông La Xanh ở cụm công nghiệp Đức Thọ. Chị Giang là một trong số hơn 100 công nhân đã được tuyển dụng vào làm việc tại Nhà máy Bao bì Sông La Xanh trong dịp cuối năm 2020.
Chị Nguyễn Thị Giang (bên phải) hướng dẫn công nhân mới vào nghề thực hiện thao tác kỹ thuật
“Tôi từng có gần 10 năm làm việc tại các khu công nghiệp Bình Dương, Bắc Ninh và năm nào cũng về quê ăn tết với gia đình. Tết năm nay, do tìm được việc làm ở gần quê nhà nên đây cũng là năm tôi cảm thấy thoải mái nhất khi thoát được cảnh vất vả đặt vé về quê ăn tết cũng như khi đón xe vào Nam hay ra Bắc làm việc ngay sau những ngày nghỉ tết” - chị Giang cho biết.
Từ sáng 16/2, công nhân lao động đã trở lại làm việc tại Nhà máy Bao bì Sông La Xanh
Theo chia sẻ của chị Giang, mặc dù làm việc xa quê nhưng tâm trạng lúc nào cũng muốn về gần quê nhà để làm việc vì còn bố mẹ già và con nhỏ. 2 vợ chồng đi làm xa, tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ tiền nhà trọ, điện nước và ăn uống còn chưa đầy 10 triệu. Nếu để 2 con nhỏ ở cùng bố mẹ thì không thể đủ tiền ăn học cho con nên phải gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc.
“Hiện tại tôi được nhận mức lương 6,8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, sau mỗi ngày làm việc, tôi được về nhà, có điều kiện gần gũi bố mẹ già và chăm sóc con cái học hành. Tôi cảm thấy an tâm, phấn khởi vô cùng” - chị Giang cho hay.
Sáng 18/2, em Nguyễn Thị Hà ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc cùng hàng trăm người ở huyện Đức Thọ và các huyện lân cận như Hương Sơn, Can Lộc, Vũ Quang… đã có mặt tại Nhà máy may mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh để tham gia dự tuyển vào làm việc.
Sáng 18/2, nhiều người đã có mặt tại Nhà máy May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh tham gia dự tuyển vào làm việc
Nguyễn Thị Hà vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế Công nghiệp Hà Nội tháng 6/2020, chuyên ngành may công nghiệp. Khi nghe thông báo tuyển dụng của nhà máy với chuyên ngành đào tạo phù hợp, Hà đã nộp đơn vào bộ phận QR (Quản lý chất lượng sản phẩm).
“Hiện tại em đã có việc làm ở thành phố Hà Tĩnh nhưng công việc không phù hợp với ngành nghề đào tạo nên em nộp đơn vào nhà máy tại vị trí phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo. Em tin tưởng mình sẽ làm tốt công việc mà đơn vị tuyển dụng yêu cầu và nhận được mức lương, chế độ phúc lợi đảm bảo ” - Nguyễn Thị Hà cho biết.
Gần 4.000 lao động sẽ được tuyển dụng
Cụm công nghiệp (CCN) huyện Đức Thọ với tổng diện tích hơn 68 ha hiện đã có 3 nhà máy đi vào hoạt động sản xuất gồm: Nhà máy Bao bì Sông La Xanh, Nhà máy May mặc xuất khẩu Appareltech và Nhà máy Bê tông thương phẩm và sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Viết Hải. 3 nhà máy này cần sử dụng gần 4.000 lao động.
Người lao động được phổ biến các qui định về giờ giấc làm việc, các chế độ lương thưởng, phúc lợi ngay trong ngày đầu đến nộp hồ sơ
Ông Vũ Duy Anh – cán bộ Phòng Quản lý nhân sự Nhà máy May mặc xuất khẩu Appareltech cho biết, song song với xây dựng nhà máy, lắp đặt máy móc, thiết bị, nhập vật tư… công ty đã thực hiện công tác tuyển dụng lao động. Công ty có nhu cầu tuyển dụng 3.500 lao động. Trong giai đoạn 1 này (đến hết tháng 3/2021), công ty sẽ tuyển 1.000 lao động. Đối tượng tuyển dụng ưu tiên những lao động có kinh nghiệm. Đối với lao động chưa có kinh nghiệm chúng tôi vẫn nhận và sẽ được công ty đào tạo.
“Appareltech là công ty 100% vốn nước ngoài, có môi trường làm việc chuyên nghiệp. Công ty cam kết đảm bảo mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và đóng nộp các chế độ bảo hiểm, phúc lợi đầy đủ cho người lao động” – ông Anh cho hay.
1 góc cụm công nghiệp Đức Thọ đã thu hút các doanh nghệp vào đầu tư
Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết, cùng với việc đảm bảo về hạ tầng để thu hút nhà đầu tư vào cụm công nghiệp, huyện Đức Thọ cũng đã phối hợp với các nhà đầu tư trong việc tuyển dụng lao động.
Huyện đã có các văn bản chỉ đạo các địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền về các chính sách thu hút lao động vào làm việc tại các nhà máy trên địa bàn. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Với những điều kiện thuận lợi được làm việc gần nhà, mức thu nhập ổn định, hy vọng các nhà máy, doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Đức Thọ sẽ là điểm “dừng chân” cho nhiều lao động địa phương, để ngày càng có nhiều người dân Hà Tĩnh “ly nông nhưng không phải ly hương”, xây dựng quê hương phát triển bền vững.