Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, nhất là đối với đàn trâu, bò, là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững. Vì vậy, sự chủ động thực hiện của hộ chăn nuôi, về tiêm phòng vắc xin cho gia súc là cần thiết, nhằm hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi.

Xác định được tầm quan trọng của công tác tiêm phòng, từ ngày 15/3 đến nay, các địa phương ở huyện Đức Thọ đã bắt đầu triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi, trước hết là đàn trâu bò, bê, nghé. Vì đây là loại gia súc, có nguy cơ cao phát sinh và lây lan các dịch bệnh như: viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Đến thời điểm này có 8/16 xã, thị trấn đã triển khai tiêm mũi vac xin viêm da nổi cục cho trên 5000 con. 

Xã An Dũng là một trong những địa phương triển khai tốt công tác tiêm phòng cho đàn trâu bò.

Là xã có địa bàn rộng, với 13 thôn xóm, xã An Dũng đã thành lập mỗi thôn 1 điểm tiêm, để tạo thuận tiện cho bà con nông dân đưa gia súc đến tiêm.

Tại xã An Dũng, trong đợt này, được giao chỉ tiêu tiêm vắc xin phòng các bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, cho gần 1000 con, trong tổng đàn 2215 con. Trong đó có 1 trang trại với 130 con, còn lại chủ yếu trong các hộ dân. Gia đình ông Hoàng Văn Công, thôn Hạ Tiến hiện chăn nuôi 5 con trâu bò. Hàng năm thu nhập từ chăn nuôi đã đem lại lợi nhuận khá cho gia đình, vì vậy việc tiêm phòng được gia đình ông hết sức quan tâm. Ông cho hay: việc chủ động tiêm vắc xin không chỉ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh, và nếu không may mắc, thì việc chữa trị và khả năng hồi phục nhanh, giảm nguy cơ trâu bò bị ốm, chết. Một con bò trị giá từ 30 - 35 triệu đồng, nếu chỉ bỏ ra mấy chục nghìn để tiêm phòng thì chẳng đáng là bao cả. Chúng tôi cũng cảm ơn cấp trên hàng năm đều tổ chức tiêm phòng để giúp bà con nông dân chúng tôi yên tâm, bảo vệ đàn vật nuôi.

Xã An Dũng hiện có 13 thôn xóm, trong đó 5 thôn nằm ở vùng đồi núi. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, là một trong những khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm phòng cho gia súc của bà con nông dân. Chị Trần Thị Tình – Công chức NN – MT xã An Dũng cho biết thêm: Trong những ngày vừa qua, sau khi tiếp thu chủ trương và chỉ tiêu tiêm phòng của huyện, địa phương đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền đến tận từng hộ chăn nuôi. Thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên làm công tác đôn đốc, chỉ đạo. Năm 2021, ổ dịch viêm da nổi cục đã làm cho 45 con trâu bò ở An Dũng bị mắc bệnh, và phải tiêu hủy hơn 10 con, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của người chăn nuôi. Vì vậy năm nay, khi nghe thông báo tiêm phòng, bà con nông dân đã tự giác đưa gia súc đế các điểm tiêm đầy đủ, kịp thời vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. 

Đến thời điểm này, xã An Dũng đã tiêm an toàn được 30% liều vac xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, bê, nghé. 

Còn tại xã Lâm Trung Thủy, địa phương có tổng đàn trâu, bò trên 1200 con, trong đó 970 con phải tiêm phòng đợt 1. Năm 2021, địa phương có gần 100 con bị mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó 12 con chết phải tiêu hủy. Vì vậy trong đợt 1 này, xã Lâm Trung Thủy tập trung tiêm mũi vac xin viêm da nổi cục trước.

 Để đảm bảo tiêm đủ, xã Lâm Trung Thủy đã thành lập đoàn đến tận hộ gia đình để tiêm. 

Huyện Đức Thọ hiện có trên 16 ngàn con trâu bò phải tiêm phòng đợt 1 này. Trong đó 14621 con tiêm mũi vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, gần 13 ngàn con tiêm 2 mũi lở mồm long móng và tụ huyết trùng. 

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc là rất cao, nhất là bệnh viêm da nổi cục. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu, tăng cường chỉ đạo các địa phương về công tác tiêm vac xin phòng bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra. 3 loại vắc xin được tiêm trong đợt này là vac xin phòng bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Ông Hà Quang Thăng – Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cho biết: Trước tình hình thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, tạo thuận lợi cho các loại dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc. Vì vậy, tiêm vac xin là một trong những biện phapr hiệu quả nhằm phòng bệnh một cách chủ động. Ngành đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo, kế hoạch tiêm phòng, cũng như giao chỉ tiêu cụ thể về cho các địa phương. Trung tâm cũng đã cử cán bộ xuống tận thôn xóm, hộ chăn nuôi để đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo tiêm đúng kỷ thuật, liều lượng. Hầu hết thì các xã cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và cơ bản người chăn nuôi cũng ý thức cao việc này nên tự giác đưa gia súc đi tiêm. Những địa phương nào không tổ chức tiêm tập trung thì cử cán bộ thú y đến tận hộ tiêm. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành tiêm mũi vac xin viêm da nổi cục, lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho đàn trâu bò trong tháng 3, để sau đó tiêm 2 mũi dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn, phòng dại cho và đàn gia cầm xong trước 30/5. 

Theo kế hoạch, đến hết tháng 5, trên địa bàn toàn huyện sẽ tổ chức tiêm hết các mũi vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó trên 16 ngàn con trâu, bò, bê, nghé, gần 19 ngàn con lợn, đàn chó 15.500 con và gần 356 ngàn con gia cầm./.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.513.692
    Trong năm: 1.284.175
    Trong tháng: 108.903
    Trong tuần: 21.813
    Trong ngày: 2.600
    Online: 23