Mô hình nhằm nâng cao nhận thức và tuyên truyền người dân nói không với thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, và trẻ em.
Sáng 16/8 tại Thị trấn Đức Thọ, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt mô hình điểm “ Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn”.Tới dự lễ ra mắt có Trưởng ban Gia đình - Xã hội TW, Hội LHPN Việt Nam Trương Thị Thu Thủy. Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trương Thị Lượng,
ở huyện có đồng chí Trần Quang Tuấn Tỉnh ủy viên- Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Nguyễn Tiến Thắng - Phó chủ tịch HĐND huyện.
Trưởng ban Gia đình - Xã hội TW Hội LHPN Việt Nam Trương Thị Thu Thủy phát biểu tại lễ ra mắt nhấn mạnh: TW Hội đặt niềm tin và kỳ vọng vào hoạt động của mô hình điểm, tại Hội LHPN Thị trấn Đức Thọ trong thời gian tới. Đồng chí mong muốn cấp ủy, chính quyền, Hội LHPN quan tâm chỉ đạo để mô hình đưa lại hiệu quả. Bởi vấn đề an toàn thực phẩm nếu được làm tốt ở cơ sở, sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát thực phẩm không an toàn ra thị trường.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Thị Thùy Nhung báo cáo quá xây dựng mô hình.
Mô hình có 50 thành viên, là những người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ Hôm Thị trấn Đức Thọ. Trong đó Ban chủ nhiệm gồm 3 người. Mô hình hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, dưới sự hướng dẫn của TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN huyện, và sự quản lý trực tiếp của Hội phụ nữ Thị trấn Đức Thọ. Các thành viên ngoài nhiệm vụ thực hiện đúng cam kết các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong việc sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm, còn là những tuyên truyền viên nòng cốt, để tuyên truyền cho gia đình và cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chợ hôm Thị trấn Đức Thọ hiện có có 134 hộ kinh doanh thịt các loại, 80 hộ bán rau, và 50 hộ chế biến kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn như: bún, bánh, dò, chả.
Tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn, chia sẻ kiến thức về nói không với thực phẩm không an toàn, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thực hiện các quy đinh về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài thực hiện đúng cam kết về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chị em còn có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, thuyết phục hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng. Qua đó, giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn có thêm kiến thức căn bản, toàn diện về vệ sinh an toàn thực phẩm, trở thành người tiêu dùng thông thái, người sản xuất kinh doanh có tâm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình.
Chị Lê Thị Phượng - một tiểu thương kinh doanh thực phẩm ở chợ Hôm, mong muốn sau khi mô hình đi vào hoạt động, các cấp hội cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, để chị em phụ nữ thực hiện tốt việc nói không với thực phẩm không an toàn, và những quy định trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng chí Bùi Ngọc Nhật- UVBTV Huyện ủy - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND Thị trấn Đức Thọ phát biểu hứa sẽ tập trung chỉ đạo để mô hình điểm của TW Hội LHPN Việt Nam hoạt động hiệu quả.
Đồng chí Trần Quang Tuấn -TUV- Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện phát biểu nhấn mạnh: cấp ủy, chính quyền huyện hết sức đồng tình và đánh giá cao TW Hội LHPN Việt Nam đã lựa chọn mô hình nói không với thực phẩm không an toàn tại huyện Đức Thọ, nhất là chủ thể của mô hình là phụ nữ lại càng thiết thực. Hầu hết chị em là người trực tiếp lao động, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ngoài thị trường cũng như trong mỗi gia đình. Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tuấn tin tưởng Thị trấn sẽ điều hành mô hình hoạt động hiệu quả, và nhân rộng, tiến tới xây dựng thương hiệu an toàn cho các loại thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn
Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Đức Thọ Nguyễn Thị Thanh Hương thông qua Quyết định và danh sách thành viên tham gia mô hình.
Các đại biểu tặng hoa chúc mừng Ban chủ nhiệm
Tại lễ ra mắt, TW Hội LHPN Việt Nam đã tặng 50 bếp tiết kiệm năng lượng cho 50 thành viên mô hình.