Chi cục thú y vùng III, phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học kỷ thuật - Bảo vệ cây trồng vật nuôi(TTƯDKHKT-BVCTVN) huyện Đức Thọ, lấy 30 mẫu tầm soát vi rút lưu hành bệnh viêm da, nổi cục trên đàn trâu bò tại các xã Bùi La Nhân, Tân Dân.
Cán bộ chi cục thú y vùng III thực hiện lấy mẫu xét nghiệm bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò tại xã Bùi La Nhân(Đức Thọ)
Các hộ chăn nuôi ý thức cần phải bảo vệ đàn vật nuôi trước các vi rút dịch bệnh, nhằm khống chế dịch bệnh xẩy ra và lây lan ra diện rộng.
Để kịp thời phát hiện vi rút viêm da nổi cục lưu hành trên đàn trâu bò và chủ động trong công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, Chi Cục thú y vùng III, đã trực tiếp lấy 30 mẫu trên 30 con trâu bò của 30 hộ gia đình tại xã Bùi La Nhân và xã Tân Dân. Sau khi lấy mẫu cán bộ Cục thú y vùng III sẽ đưa về xét nghiệm trong vòng 5 ngày và trả kết quả về TTƯDKHKT - BVCTVN huyện để thông báo cho chủ hộ nhằm sớm có kế hoạch phòng chống các bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu bò trong mùa mưa rét.
Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu sau đây: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu; giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng.